Hai tháng đầu tiên của năm mới 2023 có lẽ là quãng thời gian khó quên của nhiều nhân sự ngành công nghệ tại Mỹ khi làn sóng sa thải quét qua. Một loạt "gã khổng lồ" công nghệ đã lần lượt thông báo cắt giảm hàng chục nghìn nhân sự.
Ngày 20/1, Alphabet - công ty mẹ của Google - thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu. Meta - công ty mẹ của Facebook - cũng được Phố Wall ủng hộ sau quyết định sa thải 11.000 nhân viên. Hay Zoom - nền tảng họp trực tuyến Zoom từng bủng nổ trên toàn cầu giai đoạn Covid cũng tuyên bố sa thải 1.300 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. Nhiều tên tuổi khác cũng có động thái sa thải tương tự như Amazon (18.000 nhân viên), Twitter (4.000 nhân viên), Microsoft (10.000 nhân viên) và Salesforce (8.000 nhân viên),...
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ cuối năm 2022, nhiều công ty công nghệ đình đám cũng cắt giảm quy mô nhân sự như Shopee, iPrice,Zenius,...
Điều này dấy lên lo ngại rằng liệu Việt Nam cũng sẽ chứng kiến làn sóng sa thải tương tự?
Chia sẻ trong chương trình Tạp chí Kinh tế cuối tuần, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Navigos miền Bắc cho biết trong giai đoạn Covid-19, công nghệ lên ngôi, các doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều, có thể gấp 2-3 lần trước dịch. Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần trở lại bình thường và có những lo ngại về suy thoái thì khối lượng tuyển dụng khổng lồ trước đó đang trở nên quá nhiều. Thực tế, số lượng nhân sự hiện tại của các doanh nghiệp công nghệ vẫn đang cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đại dịch.
"Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này (doanh nghiệp công nghệ Mỹ) cũng có số nhân sự tương đối nhỏ, chúng tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu sa thải.
Thứ hai, trong ngành công nghệ, các công ty TMĐT phát triển rất nóng vào giai đoạn đại dịch và đến cuối năm 2022, cũng đã có làn sóng sa thải. Đến thời điểm này, những tháng đầu năm, chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu sa thải của các công ty, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT nữa", bà Ngọc Lan cho biết.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia từ Navigos còn nhận thấy một xu hướng ngược lại, khi các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đang chuẩn bị bộ máy về R&D cho mảng công nghệ.
"Chúng ta nghĩ đang là một mùa đông ảm đạm của lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp đang xây dựng cơ sở tại Việt Nam. Yêu cầu tuyển dụng vẫn có. Thậm chí chúng tôi đang nhận yêu cầu về những đơn hàng tuyển dụng xây dựng bộ máy phát triển CNTT tương đối lớn", bà Lan nói thêm.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội, trong Quý 1/2023, có một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như logistics, giao vận (14.000 - 18.000 vị trí), dịch vụ lưu trú, ăn uống (10.000 - 12.000 vị trí), tài chính ngân hàng (15.000-20.000 vị trí). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành CNTT có nhu cầu tuyển dụng 12.000 - 15.000 vị trí việc làm, tập trung vào các công việc đòi hỏi chuyên môn cao như lập trình viên, nhân viên phát triển phần mềm.
Ngay kể cả tại Mỹ, số nhân sự bị sa thải tại các công ty công nghệ lớn cũng được đánh giá chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số nhân lực công nghệ trên thị trường.
"Việc sa thải gần đây rất gây chú ý, nhưng chúng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nói chung. Trên thực tế, ngay cả khi Big Tech sa thải 100.000 nhân viên, thì đó vẫn chỉ là một phần nhỏ của lực lượng lao động công nghệ.
Những con số được báo cáo có vẻ lớn, nhưng chúng thường không được báo cáo theo tỷ lệ của tổng chi phí tiền lương, hoặc tổng số nhân viên. Đối với một số công ty công nghệ, họ (nhân sự bị sa thải) chỉ là một phần nhỏ trong số lượng lớn nhân viên mới được tuyển dụng ban đầu trong thời kỳ đại dịch", tờ The Economic Times nhận định.