Tuổi kết hôn của người Việt gần chạm mốc 30, gần bằng Nhật Bản, Hàn Quốc: Chuyện gì đang và sẽ xảy ra?

Giang Anh | 09:02 06/09/2024

Xu hướng kết hôn muộn không chỉ xảy ra ở các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, mà ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đều đang phải đối mặt với vấn đề này.

Tuổi kết hôn của người Việt gần chạm mốc 30, gần bằng Nhật Bản, Hàn Quốc: Chuyện gì đang và sẽ xảy ra?

Khi nhắc đến câu chuyện kết hôn muộn, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản đều là những ví dụ điển hình cho vấn đề này. Theo số liệu được chính phủ các quốc gia này công bố, độ tuổi tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Nhật là 31,1 đối với nam và 29,4 vỡi nữ. 

Trong khi đó, độ tuổi tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Hàn Quốc là 34 tuổi đối với nam và 31,5 vỡi nữ. 

Guardian và New York Times từng đưa tin, hầu như không phụ nữ trẻ nào ở khu vực thành thị của Trung Quốc mặn mà với những cuộc thảo luận về chuyện kết hôn và con cái. 

Thậm chí, vào khoảng cuối năm 2022, trên mạng xã hội Trung Quốc còn xuất hiện một hiện tượng với các bài viết gắn hashtag #thelastgeneration của một bộ phận người trẻ của quốc gia này. Theo đó, trong các bài đăng có gắn hashtag này, nhiều người trẻ nói rằng họ không muốn kết hôn và sinh con, tuyên bố mình là "thế hệ cuối cùng".

Xu hướng kết hôn muộn không chỉ xảy ra ở các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, mà ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đều đang phải đối mặt với vấn đề này. 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt năm 2023 là 27,2 tuổi, tăng 7,9% so với 5 năm trước đó. Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; con số này là 26,3 ở nông thôn.

"Tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng muộn hơn", ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số nhận định tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được Cục Dân số (Bộ Y tế) đã được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Nếu xem xét chi tiết 63 tỉnh, thành, TP.HCM là nơi có độ tuổi kết hôn cao nhất cả nước, chạm mốc 30,4 tuổi, tăng 2,9 tuổi so với 5 năm trước đó. Đứng thứ hai là Bà Rịa - Vũng Tàu, với tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2023 là 29,3 tuổi. Còn tại Hà Nội, độ tuổi trung bình để người Hà Nội kết hôn lần đầu năm 2023 là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cao thứ 13 cả nước, sớm hơn người TP.HCM 2,5 tuổi. 

Trong số 10 địa phương có độ tuổi kết hôn lần đầu cao nhất cả nước, có đến hơn một nửa là các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo Tổng cục Thống kê, thực tế cho thấy ở những vùng có mức độ đô thị hóa cao hơn hoặc có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hơn, người dân có xu hướng kết hôn muộn hơn (như các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long). 

Trong khi đó, tại Trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ lớn người dân tộc thiểu số sinh sống với các đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán được xem là nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định kết hôn sớm của người dân trong vùng.

Theo đại diện Cục Dân số, lý do thanh niên Việt hiện nay có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn là bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng.

Như trường hợp của chị Phương Nh., 29 tuổi, hiện đang sống và làm việc ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại chị vẫn chưa tính đến chuyện kết hôn vì cảm thấy bản thân chưa thực sự sẵn sàng cả về tài chính lẫn tâm lý. 

“Tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng để bước vào một mối quan hệ nào ở thời điểm hiện tại vì muốn dành thời gian cho bản thân cũng như gia đình nhiều hơn”, chị nói. 

Đồng quan điểm, chị Hà D. (27 tuổi, Hà Nội) cho hay: “Vì mình đang phải vừa đi học vừa đi làm nên gần như không có thời gian rảnh để tìm hiểu ai đó. Với cả quan điểm của mình đó là cần phải tập trung dành thời gian chăm sóc cũng như phát triển cho bản thân nên mình không nghĩ đến chuyện kết hôn trong ít nhất 3 năm tới”.

Xu hướng kết hôn muộn và việc nhiều người chọn sống độc thân, không kết hôn được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến mức sinh giảm.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính, với tỷ suất sinh giảm dần và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, Việt Nam đã trở thành xã hội bắt đầu giai đoạn già hoá vào năm 2015 và dự báo sẽ già hóa vào năm 2035, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

“Mặc dù hiện nay Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, nhưng cửa sổ này đang bắt đầu khép lại khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh”, World Bank nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh năm 2023 trên cả nước là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới. Hiện có 2/6 vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, gồm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, phụ nữ vùng Đông Nam Bộ có số con trung bình là 1,47 - thấp nhất cả nước. 

Số liệu từ các tỉnh, thành phố cho thấy, đã có 21/63 địa phương có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; phần lớn nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, nơi đô thị hóa cao và tăng trưởng kinh tế nhanh.

Tại Hội nghị quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được Cục Dân số (Bộ Y tế), các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không có các chính sách kinh tế - xã hội và dân số đột phá, mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu, "đi theo con đường" của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay. 

Thậm chí, vào năm 2022, Liên Hợp Quốc từng đưa ra cảnh báo rằng, nếu mức sinh tiếp tục giảm thì đến năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng số dân tỉnh Nghệ An hiện nay.

Theo các chuyên gia, mặc dù sự suy giảm dân số sẽ không ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế, nhưng nó cho thấy mô hình tăng trưởng sẽ không bền vững, đặc biệt có tác động lớn đến các quốc gia có lợi thế cạnh tranh về lượng lao động dồi dào.

“Tình trạng thiếu lao động có thể dẫn đến sự phá sản của mô hình phát triển kinh tế vốn dựa vào lực lượng lao động đông đảo”, một giảng viên Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) chia sẻ với The Guardian.

Cụ thể, ảnh hưởng của tình trạng già hóa dân số đối với tăng trưởng GDP phụ thuộc vào cách thức, mức độ mà già hóa dân số ảnh hưởng tới quy mô và năng suất của lực lượng lao động, cường độ sử dụng vốn và tỷ suất sinh lời trên vốn, tiêu dùng và tích lũy tài sản. 

Theo các chuyên gia của World Bank, khi Việt Nam dần chuyển sang cơ cấu dân số già, tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam  giai đoạn 2020–2050 sẽ chậm lại 0,9 điểm phần trăm so với 15 năm qua. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP và tăng chi phí tài khóa.

Để có thể giải quyết được tình trạng này, vào năm ngoái, một khu vực ở Trung Quốc đã đưa ra mức thưởng 1.000 nhân dân tệ (138 USD) cho các cặp đôi mới cưới nếu cô dâu dưới 25 tuổi, nhằm mục đích thúc đẩy "hôn nhân và sinh con phù hợp với độ tuổi". 

Tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số dự kiến ​​sẽ giảm một nửa vào năm 2100, các chính phủ liên tiếp đã chi khoảng 380 nghìn tỷ won Hàn Quốc (283 tỷ USD) trong 20 năm qua để cố gắng ứng phó với tình trạng xã hội già hóa của quốc gia này và thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Thậm chí, Nhật Bản từng có ý tưởng cho dự án nghe thật "điên rồ", chi tới 26 tỷ USD để làm băng chuyền tải hàng dưới lòng đất, khi dân số tại quốc gia này giảm hơn 2.000 người/ngày, có rủi ro thiếu nhân viên vận chuyển.

Còn ở Việt Nam, tại Hội thảo về nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tháng 8, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đưa ra đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Còn theo Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. 

Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…

Hiện nay, theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 588/QĐ-TTg, 21 tỉnh thành thuộc vùng mức sinh thấp sẽ có khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.

Theo đó, 21 tỉnh, thành gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

 






(0) Bình luận
Tuổi kết hôn của người Việt gần chạm mốc 30, gần bằng Nhật Bản, Hàn Quốc: Chuyện gì đang và sẽ xảy ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO