Sáng ngày 18/3/2024, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Lê Phước Vũ chia sẻ liên quan đến việc ông sẽ ở lại điều hành tập đoàn thêm vài năm so với kế hoạch trước đây, và đang xem xét chuyển giao toàn bộ cổ phần, quyền điều hành tập đoàn cho con gái út (sinh năm 2001) sau khi ông lui về xuất gia theo nguyện vọng.
Trong khi tại kỳ Đại hội trước đó, ông Vũ từng chia sẻ sẽ chuyển tài sản cho quỹ phi lợi nhuận sau khi chính thức xuất gia. "4 năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu. Bởi vậy 3 năm qua, tôi trăn trở giải quyết vấn đề thừa kế và chọn người lãnh đạo HSG trong tương lai", ông Lê Phước Vũ chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm qua.
Tuy nhiên, hiện ông đã có thay đổi. Không phủ nhận có ý định thành lập một quỹ nhận cổ phần của cá nhân, song ông Vũ cho biết quỹ này vẫn hoạt động theo mô hình công ty, chỉ khác tên gọi nên không đạt yêu cầu, mong muốn của ông.
“Trước khi tôi lui về, tôi quyết định chọn một đại gia để giao lại tập đoàn và chúng tôi đã gặp vị đại gia này 3-4 lần nhưng anh em đều nói tôi không thể giao được, không thể bán tập đoàn này chỉ để đổi lấy lợi nhuận”, ông Vũ nói.
Ông Trần Ngọc Chu – Phó Chủ tịch HSG – bổ sung HĐQT đang xem xét phương hướng khác, một trong số đó là đề xuất ông Vũ giao cổ phần cho thế hệ con cái kế thừa. Được biết, con gái út của ông Vũ sinh năm 2001, hiện đang học song song hai bằng đại học bên Úc.
Đại diện ban chủ tọa cũng lưu ý cổ đông việc này không phải xảy ra ngay năm sau mà ít nhất 7-10 năm nữa, khi con gái Chủ tịch vững vàng thì ông Vũ mới xuất gia, lùi thời gian xuất gia thêm vài năm.
“Tôi không hề muốn con gái thay mình bởi điều hành tập đoàn phải dấn thân, nó là con gái tôi không muốn nó mang gánh nặng. Tôi cũng không muốn con mình là thiếu gia, tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa.
Nhưng thắp đuốc giữa ban ngày tìm không ra một người doanh nhân để tôi chuyển giao. Ngoài năng lực còn đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Tôi muốn rút mà không biết rút như thế nào. Nếu tôi bán thì Hoa Sen sẽ nát ngay, nát ở tính trung thực, chính trực, trách nhiệm.
Muốn thay đổi gì thì cũng gần 10 năm nữa. Con gái tôi nó không thích nhận đâu, nó khóc và nói con sợ trách nhiệm. Tôi động viên nó con có thể khởi đầu bằng công việc của một nhân viên, xuống nhà máy để biết công việc ở nhà máy. 10 năm nữa nếu con sẵn sàng thì làm, nếu không thì ba tính bài khác.
Hôm nay tôi thông báo để cổ đông nắm thông tin và tôi có trách nhiệm phải thông báo khi đã có sự thay đổi so với thông báo ban đầu”, ông Vũ nói.
Về kinh doanh, ông Vũ đánh giá 2023 là một năm tình hình kinh tế, địa chính trị biến động nhanh, phức tạp, lộ rõ nhiều thách thức không chỉ riêng ngành thép mà tất cả các ngành nghề sản xuất, ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm cách tồn tại, vượt qua khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen đã nỗ lực đạt lãi sau thuế 30 tỷ đồng. Hoạt động tái cấu trúc bước đầu đạt được kết quả khi CTCP Nhựa Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận thuần trong hai niên độ liên tiếp.
“Kịch bản thị trường 2024 khó lường và có nhiều biến động. Tuy nhiên, HĐQT tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nghiên cứu thêm nhiều ngành nghề nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường”, Chủ tịch HSG cho hay.
Theo đó, HĐQT xây dựng hai kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2024. Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,6 triệu tấn; doanh thu thuần 34.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ. Ở kịch bản tích cực hơn, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,7 triệu tấn; doanh thu thuần 36.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ.
Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Hoa Sen, cho biết thêm về triển vọng thị trường 2024, dự báo giá thép cán nóng tiếp tục diễn biến khó lượng, nhu cầu tiêu thụ thep vẫn chưa khôi phục. Trong đó, biến động giá thép cán nóng vừa qua đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tập đoàn trong niên độ 2022-2023.
Để hoàn thành kế hoạch niên độ 2023-2024, ông Nam cho biết tập đoàn sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Sản xuất - cung ứng, kinh doanh, kiểm soát chi phí và quản lý - nhân sự. Trong đó, tập đoàn sẽ cân đối cơ cấu các khoản vay hợp lý để tối ưu hóa chi phí lãi vay và giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để cân đối nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu.