Theo báo cáo thường niên 2022 CTCP Giầy Thượng Đình công bố, thu nhập bình quân người lao động Giầy Thượng Đình trong năm 2022 là 6,5 triệu đồng/người, đã khôi phục lại sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid chỉ ở mức 4,8 triệu đồng và 6 triệu đồng/tháng.
Mặc dù ngành may mặc, giày da có đặc thù là thu nhập thấp so với các lĩnh vực khác, tuy vậy mức 6,5 triệu đồng/tháng đang thấp hơn so với số liệu thống kê bình quân trong cả nước.
Cụ thể, theo báo cáo về tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Làm một phép so sánh khác, nếu quy đổi ra giá vàng, thu nhập hàng tháng của người lao động ở Giầy Thượng Đình chưa mua nổi... 1 chỉ vàng SJC.
Số lượng lao động của Giầy Thượng Đình tại thời điểm 31/12/2022 là 426 người, giảm 16 người so với thời điểm cuối năm 2021 là 442 người. Trước đây, giai đoạn ăn nên làm ra những năm 2000, quy mô lao động của Giầy Thượng Đình thường xuyên ở mức 1.600 - 1.700 công nhân.
Từ 2017 đến nay, quy mô nhân sự của Giầy Thượng Đình đã giảm tới 40% khi so sánh ở cùng thời điểm cuối năm dương lịch.
Trong quá khứ, giày Thượng Đình đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ đồ bảo hộ của người lao động. Đôi giày bata màu xanh của Thượng Đình đã trở thành sự lựa chọn phổ biến trong nhiều gia đình.
Không chỉ thành công trong thị trường trong nước, giày Thượng Đình còn xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa ra thị trường quốc tế. Trong thời kỳ từ năm 1960 đến 1972, Thượng Đình đã xuất khẩu gần 400.000 đôi giày basket sang Liên Xô và Đông Âu.
Đặc biệt, vào năm 1992, công ty đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Pháp và Đức. Ngay cả sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm giày Thượng Đình vẫn duy trì được vị thế vững chắc trên thị trường trong nước.
Nhưng tất cả đều đã là những câu chuyện vang bóng của quá khứ. Mẫu mã chậm đổi mới, nguồn lực sản xuất, thiết kế, truyền thông, bán hàng đều không "lại" được với các đối thủ, chục năm trở lại đây, Giầy Thượng Đình ngày càng chật vật tìm lời giải cho bài toán có lãi.
Năm 2022, có thể coi là 1 năm tương đối khả quan của Giầy Thượng Đình khi có lãi sau nhiều năm thua lỗ. Giầy Thượng Đình đạt doanh thu 109 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận thuần từ sản xuất kinh doanh âm 2,5 triệu đồng. Phải nhờ đến lợi nhuận khác, sau thuế doanh nghiệp mới có lãi 117 triệu đồng.
Những khó khăn của Giầy Thượng Đình đến cả từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Đầu tiên, như các doanh nghiệp cùng ngành, Giầy Thượng Đình đã trải qua năm 2022 trong bối cảnh kinh doanh chung còn tàn dư của dịch Covid 19, xung đột chính trị và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những yếu tố trên đã khiến cho đơn hàng xuất khẩu không thuận lợi và giảm mạnh so với năm 2021.
Bên cạnh đó, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong ngành lại đẩy mạnh tranh giành "miếng bánh nội địa" khiến thị trường trong nước gặp sự cạnh tranh gay gắt. Ngoài các doanh nghiệp lớn thì thị trường còn có nhiều cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ làm giả, nhái và bán hàng không xuất hoá đơn.
Về mặt chủ quan, Giầy Thượng Đình gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính như nợ khó đòi, chi phí tăng cao (khấu hao, tiền thuê đất,..) trong khi đơn hàng sụt giảm.
Thiếu nguồn vốn để đầu tư mới trong thời gian dài cũng khiến năng lực sản xuất của DN hạn chế. Giầy Thượng Đình cho biết, khi khách hàng đòi hỏi về đánh giá nhà máy, đánh giá năng lực đáp ứng về điều kiện kỹ thuật DN khó đạt yêu cầu.