Từ cách Coolmate kết hợp thời trang 'xanh + nhanh’ đến câu chuyện vải sợi sen in hoa lên gấm bào Việt dự London Fashion Week 2023

Quỳnh Như | 08:27 18/10/2023

Hiện tại, Coolmate đang có 12 loại sản phẩm được làm từ các loại sợi thiên nhiên như sợi bắp/cà phê/tre/bạch đàn và sợi tái chế cùng các loại vải nhuộm không dùng hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Còn Tsafari đã sử dụng vải sợi sen từ Faslink để in hoa gấm bào Việt từ thế kỷ 16 đến 19 đi tham dự London Fashion Week 2023.

Từ cách Coolmate kết hợp thời trang 'xanh + nhanh’ đến câu chuyện vải sợi sen in hoa lên gấm bào Việt dự London Fashion Week 2023
Áo sơ mi cà phê của Coolmate

Doanh nghiệp Việt - nhất là trong lĩnh vực thời trang, cập nhật xu hướng khá nhanh. Do mệnh lệnh của thị trường xuất khẩu cộng với nhu cầu muốn bảo vệ môi trường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc – dệt sợi – thiết kế đã sử dụng các loại vải được dệt từ sợi có nguồn gốc tự nhiên/tái chế hoặc có cách nhuộm ít tốn nước - hóa chất để làm áo quần/váy vóc.

Chúng ta có thể kể ra đây một vài thương hiệu nội địa tiêu biểu: Samsonite đã sử dụng vải từ nhựa tái chế của Duy Tân để may balo lẫn vali, Việt Tiến có dòng sơ mi làm từ xơ hoa hồng – bằng cách nghiền cánh hoa hồng thành bột và hòa tan trong dung môi chuyên dụng, Yody có áo polo từ sợi cà phê, Rabity dùng vải sợi tre may đồ ở nhà cho em bé…

Nhìn vào mặt bằng chung, có thể thấy sự ứng dụng các loại vải thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt còn nằm ở dạng thử nghiệm là chủ yếu, do giá thành của chúng vẫn còn cao và cần thời gian để ‘giáo dục’ thị trường. Bên cạnh đó, các startup vẫn là thành phần DN cởi mở với xu hướng này hơn cả.

Công nghệ dẫn lối thời trang xanh

Faslink là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực ‘thời trang xanh’, hiện họ đã nghiên cứu và sản xuất thành công vải sợi sen, sợi bạc hà và cà phê. Faslink không chỉ bán vải, mà còn bán lẻ đồng phục công sở và OEM cho các doanh nghiệp.

bsa.jpg
Ông Võ Thành Phước – Trưởng phòng R&D của Faslink (áo vest) trong Tọa đàm “Những người tiên phong của thời trang xanh Việt Nam” do Trung tâm BSA tổ chức.

Theo ông Võ Thành Phước – Trưởng phòng R&D của Faslink, trước đây, để bán một sản phẩm vải có nguồn gốc từ tự nhiên, họ phải mất tới 6 tháng để thuyết phục đối tác, nhưng nay thời gian đó đã rút ngắn rất nhiều. Tất nhiên, hiện tại thì giá của các loại vải có nguồn gốc tự nhiên vẫn mắc hơn các loại vải có nguồn gốc nhân tạo; tuy nhiên, theo thời gian, khi công nghệ phát triển hơn và sản xuất số lượng lớn hơn, thì giá sẽ được hạ thấp xuống.

Vải sợi sen của Faslink không phải sản xuất từ tơ của thân sen như mọi người nghĩ. Nếu chúng ta làm theo phương thức truyền thống như thế sẽ cho sản lượng rất thấp và giá thành sẽ rất cao. Theo đó, Faslink đã lấy thân và lá cây sen, nghiền ra thành bột và cho vào một dung môi đặc biệt, sau đó mang đi kéo sợi”, ông Võ Thành Phước cho hay.

Không chỉ Faslink, ở Việt Nam chúng ta, đã có nhiều bên nghiên cứu về vải sợi cà phê. Năm 2020, ShoeX – một startup từng lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, đã ra mắt bộ sưu tập giày cà phê. Giày của họ được làm từ vài ly nhựa đã sử dụng và bã cà phê. Hiện tại, thay vì đi theo nhánh sản xuất vải cà phê cung cấp cho ngành giày, thì họ lại theo đuổi con đường bán ly tách phục vụ cho ngành cà phê từ nhựa tái chế kết hợp cùng bã cà phê.

Cũng theo ông Võ Thành Phước, nhiều người không tìm hiểu kỹ, sẽ nghĩ những tính năng của vải bạc hà như mềm mại, thoáng khí, chống tia UV và kháng khuẩn tự nhiên là đang được make-up.

Trong quá khứ, đã có không ít loại vải nhân tạo làm theo cách đó. Ví dụ: thương hiệu sẽ dùng hóa chất để phủ lên bề mặt vải nhằm tạo ra tính năng chống nước và khi người dùng giặt vài chục lần, thì chất phủ hóa học đó không còn và cái áo cũng mất tính năng chống nước.

owen.jpg

Ngược lại, các loại vải có nguồn gốc tự nhiên được dệt từ các loại sợi tự nhiên, nên những tính năng mà chúng có sẽ còn mãi. Theo thương hiệu thời trang OWEN, sau 50 lần giặt, chiếc áo sơ mi bạc hà của họ vẫn vẹn nguyên khả năng kháng khuẩn hơn 90%. Còn theo Rabity, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng: vải sợi tre có tác dụng diệt khuẩn lên đến 99.8% sau nhiều lần giặt.

Bên cạnh đó, vải tổng hợp sẽ mất từ vài chục đến vài trăm năm để phân hủy trong tự nhiên; còn vải sợi tự nhiên chỉ mất vài tháng đến vài năm. Minh chứng: polyeste mất từ 20 đến 200 năm để phân hủy, nilon là 30 đến 40 năm, da tổng hợp mất 25 đến 40 năm; cotton 100% biến mất chỉ trong vòng 5 tháng, len là 1 đến 5 năm, vải sợi tre cần hơn 1 năm, vải sợi gai dầu hay tơ là dễ phân hủy nhất.

Thời trang xanh kết hợp ‘thời trang nhanh’ và thời trang cao cấp

Là một startup lại có đối tượng khách hàng là giới trẻ - tầng lớp khách hàng quan tâm đến môi trường nhất ở thời điểm hiện tại, nên không ngạc nhiên khi Coolmate cho ra đời khá nhiều sản phẩm ‘tiêu dùng nhanh’ sử dụng các loại vải sợi có nguồn gốc từ tự nhiên.

Xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam đang dần lên ngôi. Nhiều thương hiệu đã thực sự quan tâm tới môi trường nhiều hơn là túi tiền, thậm chí họ đã dùng tới một khoản tiền lớn để làm nên những món đồ thời trang bền vững. Là một thương hiệu trẻ, tất nhiên Coolmate không thể đứng ngoài xu thế này.

Hơn ai hết, Coolmate luôn quan tâm tới vấn đề môi trường, tính bền vững của thời trang để bạn có thể sử dụng rất lâu một món đồ nhưng lại phân huỷ thật nhanh khi vứt bỏ chúng”, đại diện Coolmate chia sẻ trên website của doanh nghiệp.

coolmate.jpg

Hiện Coolmate có hơn 12 loại sản phẩm được làm từ sợi tự nhiên hoặc từ vải jean dùng công nghệ nhuộm không sử dụng hóa chất. Coolmate sử dụng vải sợi cà phê, sợi tre, sợi tencel từ vụn cây gỗ bạch đàn và đặc biệt là dùng rất nhiều vải sợi Sorona trong nhiều sản phẩm áo quần.

Spandex là một loại vải co giãn và đàn hồi tốt, được dùng nhiều trong ngành thời trang thể thao và đồ lót; tuy nhiên nhược điểm của nó là tuổi thọ ngắn và khó tái chế. Cách đây vài năm, DuPont đã tạo ra loại vải tên là Sorano có nguồn gốc thực vật – với 37% là bắp, co giãn tốt và bền hơn Spandex, giá thì ngang bằng và rất dễ phân hủy trong tự nhiên.

Coolmate có sản phẩm Quần nam Daily Pant sử dụng sợi Sorona và được nhuộm bằng công nghệ Cleandye Việt Nam, có khả năng thấm hút tốt, nhanh khô. Áo Polo Excool của họ dùng sợi Sorona và polyester tái chế, mặc vào có cảm giác siêu nhẹ, mềm mại, co giãn tốt và khả năng chống nắng vượt trội so với những chiếc áo polo trước đây.

Ở khía cạnh khác, mới đây, Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo – Giám đốc Sáng tạo của Công ty Thời trang Tsafari đã ra mắt bộ sưu tập Di sản – Xuyên không gian tại London Fashion Week.

tsafari.jpg
Bộ sưu tập Di sản – Xuyên không gian tại London Fashion Week 2023.
da-thao.jpg
Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo – Giám đốc Sáng tạo của Công ty Thời trang Tsafari

Bà Dạ Thảo bật mí ý nghĩa tên của bộ sưu tập: "Đó là sự xuyên không từ quá khứ, hiện tại và tương lai của các loại họa tiết gấm bào thế kỷ 16 đến 19, được vẽ, in lên các chất liệu từ thiên nhiên như vải sợi sen, sợi tơ tằm, chiffon, đũi…". Đây không chỉ là công sức của bà hay của Tsafari mà còn của các nhà nghiên cứu văn hóa Việt đã góp sức phục dựng các họa tiết gấm bào từ tranh ảnh và tư liệu lịch sử qua nhiều triều đại phong kiến.

Hành trình đi London lần này của Tsafari và bà Dạ Thảo có sự đồng hành của Faslink và OWEN, Long Beach.

Tôi muốn thế giới phải nhìn Việt Nam như một môi trường mới đầy tiềm năng trong ngành thời trang, khác Trung Quốc. Muốn được như thế, chúng ta phải nhanh chóng tiến quân vào mảng thời trang xanh. Các doanh nghiệp Việt nếu đi cùng nhau sẽ nhanh lớn mạnh, như cách tôi kêu gọi thêm các đồng đội khác để đi London Fashion Week. Tôi và Phú Xuân (CEO Faslink) đã ấp ủ kế hoạch này 10 năm trước nhưng giờ mới thực hiện được.

Ở đây, không có đối thủ nào cả mà doanh nghiệp Việt phải cùng nhau xây dựng thời trang xanh. Như An Phước ở ngách thời trang nam cao cấp, không ai cạnh tranh với họ cả”, NTK Dạ Thảo chia sẻ trong Tọa đàm “Những người tiên phong của thời trang Xanh Việt Nam” do Trung tâm BSA tổ chức.


(0) Bình luận
Từ cách Coolmate kết hợp thời trang 'xanh + nhanh’ đến câu chuyện vải sợi sen in hoa lên gấm bào Việt dự London Fashion Week 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO