Quần ‘biết thở’, áo chống nắng cao, khử mùi trong 3 ngày và tiềm năng vô tận của Việt Nam trong lĩnh vực 'thời trang xanh'

Quỳnh Như | 08:56 28/09/2023

Mặc dù xuất phát sau, nhưng với tài nguyên sinh vật phong phú cùng sự cần cù sáng tạo, ngành vải sinh học của Việt Nam phát triển khá nhanh. Faslink đã thành công sáng tạo ra vải có nguồn gốc từ cà phê – sợi sen và vải tính năng có thể khử mùi/chống nắng. Còn Greenyarn - Bảo Lân có sợi tre sở hữu khả năng chống tia cực tím, khử mùi và giữ ấm cũng như làm mát.

Quần ‘biết thở’, áo chống nắng cao, khử mùi trong 3 ngày và tiềm năng vô tận của Việt Nam trong lĩnh vực 'thời trang xanh'
Áo polo được làm từ bã cà phê có khả năng khử mùi cực tốt của Faslink.

Bảo Lân và Faslink là hai doanh nghiệp đầu ngành sợi vải sinh học

Tái chế phụ phẩm các ngành công nghiệp khác – ví dụ như nông nghiệp, nhằm phục vụ cho ngành dệt may, đang là chiến lược phát triển được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn để góp phần ‘xanh hóa’ ngành dệt may.

Theo bà Bùi Mai Hương – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt may – Khoa Cơ khí – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, với thế mạnh là nước có ngành nông nghiệp phát triển lâu đời, các doanh nghiệp Việt có rất nhiều sự lựa chọn đầu vào để làm vải sinh học hoặc màu nhuộm.

Doanh nghiệp có thể sử dụng trực tiếp rơm rạ, bã mía, vỏ trái cây… ; hoặc gia tăng giá trị cho phế thải nông nghiệp: xơ như casein từ sữa, zein từ ngô, gelatin từ collagen; lên men một số chất thải nông nghiệp để kích thích sự phát triển của vi sinh vật. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể tạo polyme sinh học từ vỏ khoai tây, sắc tố Pigment – chất tạo màu sinh học từ trái cây và vỏ trái cây, xơ nano/tinh thể nano cellulose từ cây dứa/cây gai dầu/xơ dừa…

faslink.jpg
Võ Thành Phước – Giám đốc phát triển Faslink

Cụ thể hơn, theo Võ Thành Phước – Giám đốc phát triển Faslink, hiện công ty ông đang phát triển 2 dòng sản phẩm chủ lực là vải sợi sinh học và vải sợi tính năng.

Sau 14 năm nghiên cứu và phát triển, hiện Faslink có 5 loại sợi vải 'xanh' từ tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp.

Faslink có mẫu áo polo khử mùi được làm từ sợi cà phê có khả năng kiểm soát mùi lên đến 95%, hay nói như CEO Trần Hoàng Phú Xuân, ‘một người mặc chiếc áo này liên tục 3 ngày không tắm vẫn không hôi’. Ngoài ra, chiếc áo này còn có thể chống tia UV, nhanh khô và không nhăn, thoáng khí. Hay họ có loại áo sơ mi có khả năng bảo vệ làn da, giúp chống nắng gần như tức thời cho người mặc, với UPF từ 100+ - ‘còn tốt hơn kem chống nắng thông thường’.

faslink2.jpg
Sợi sen và áo làm từ vải dệt sợi sen của Faslink.

Theo Faslink, loại vải tính năng từ các loại vải sinh học của họ có thể chống tia UV, kiểm soát mùi, thấm mồ hôi và nhanh khô, chống tĩnh điện, tăng cường ion âm và tăng bức xạ hồng ngoại.

Giới thiệu về ‘chiếc quần biết thở’, ông Võ Thành Phước cho hay: nhờ công nghệ dệt sợi tạo nên kết cấu bền chặt đàn hồi cao, giúp mặt vải không chỉ láng mịn mà còn tăng cường khả năng nhanh khô và giữ được phom dáng sau nhiều lần giặt. Tính năng không nhăn tự nhiên/ít nhăn và nhanh khô của chiếc quần này đảm bảo tiêu chí thân thiện với người dùng - ngay cả người bận rộn và ưa xê dịch.

Ngoài Faslink, thì Greenyarn - Bảo Lân cũng là một doanh nghiệp lớn trong ngành sợi sinh học. Tháng 7/2022, thương hiệu sợi từ thiên nhiên Greenyarn đã ra mắt sợi làm từ tre. Đây lần đầu tiên sợi vải tre được sản xuất thành công tại Việt Nam.

screen-shot-2023-09-27-at-4.25.14-pm.png
4 loại sợi tre của Greenyarn

Hiện Greenyarn có 4 loại sợi tre là sợi tre thuần 100%, sợi than tre, sợi tre pha lãnh, sợi tre pha cotton; vải từ các loại sợi tre này có khả năng kiểm soát mùi và kháng khuẩn tự nhiên, chống tia cực tím, hút ẩm và nhanh khô, giữ ấm và làm mát, bền bỉ theo thời gian. Bên cạnh đó, chúng rất lành tính - kể cả với da em bé sơ sinh, có thể phân hủy thành hỗn hợp tự nhiên.

Ngoài sợi tre, Greenyarn còn bán sợi cotton organic, sợi tencel từ gỗ sồi, sợi kết hợp thêm bột gỗ, sợi cà phê, sợi tái chế….Từ năm 2019 - 2022, thương hiệu Re.socks by Remarkable (Bảo Lân) đã sản xuất hơn 50.000 đôi vớ hàng ngày và thể thao từ các nguyên liệu tái chế như chai nhựa và xuất khẩu sang Mỹ, Singapore, New Zealand.

Các startup cũng tích cực tham gia vào ‘thời trang xanh'

ecosoi.jpg
Xơ sợi và vải từ lá dứa của ECOSOI

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các startup cũng tham gia cuộc chơi này. “Cách đây vài năm, khi đến huyện Thạch Thành – Thanh Hóa tôi đã khá day dứt khi chứng kiến những cánh đồng dứa bạt ngàn không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Như chúng ta đã biết, mỗi cây dứa chỉ có 1 trái dứa, còn lại hầu hết là lá dứa. Lúc đó, để xử lý lượng cây dứa lớn sau khi thu hoạch, người dân Thạch Thành đã phun thuốc hoặc đốt cây ngay trên cách đồng. Khi ta đốt hoặc phun hóa chất sẽ khiến vi sinh trong đất bị tận diệt, rồi mỗi khi trời mưa chất độc sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng rất xấu đến cư dân ở vùng này và các vùng chung quanh.

Ban đầu, tôi muốn biến lá dứa thành phân hữu cơ, nhưng sau khi bắt tay vào làm mới biết là không thể, vì lá dứa có quá nhiều xơ. ‘Thua keo này ta bày keo khác’, nhiều xơ đúng là không thích hợp làm phân, nhưng thích hợp làm sợi phục vụ ngành dệt may.

Mặt khác, lúc đó, theo tìm hiểu của tôi, thì có tới 90% xơ sợi phục vụ ngành dệt Việt Nam được nhập khẩu. Theo một vài thống kê, thì Việt Nam mình có khoảng 40.000ha trồng dứa, nhưng thực tế, diện tích trồng dứa ở nước ta có thể nhiều gấp 2 hoặc 3 con số trên”, bà Vũ Thị Liễu – Founder & CEO ECOSOI kể trong sự kiện Việt Nam Textfuture 2023.

eco-soi.jpg
Vũ Thị Liễu – Founder & CEO ECOSOI

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế là một khoản cách xa thăm thẳm. Năm 2012, ECOSOI mang xơ dứa đi bán nhưng không ai mua, vì mọi người không chắc là từ xơ dứa có thể dệt thành sợi hay không và nếu thành công thì ai sẽ mua. Ngay cả khi ECOSOI mang xơ dứa về dệt thành sợi rồi đi chào hàng, tình hình cũng không được cải thiện bao nhiêu, vẫn có rất nhiều nghi ngại về loại xơ mới khá đặc biệt này.

Vậy nên, bà Vũ Thị Liễu đành phải mang sợi dứa xuống làng nghề để dệt thành vải, sau đó tìm đến các nhà thiết kế thời trang để hợp tác, thì tình hình mới sáng sủa hơn. Theo kế hoạch, trong năm 2024, ECOSOI sẽ mang vải dệt từ sợi dứa ra bán ở thị trường quốc nội lẫn quốc tế.

Dù gặp khá nhiều trắc trở trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, song Nhà sáng lập này rất tin vào tương lai của ECOSOI, bởi xơ thực vật như xơ dứa chịu lực tốt - lên tới 18Nm, trong khi các loại xơ khác chỉ khoảng 1Nm; vừa lành tính vừa mát mẻ. Năm 2022, ECOSOI từng lên Shark Tank Việt Nam kêu gọi vốn và được Shark Hùng Anh hứa sẽ xuống 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần.

z4725344816563_e1af0ec3b70efa9c7d6673217d8c9dfb.jpg
Các sản phẩm của Mộc Nhiên

Một startup khác cũng theo hướng ‘thời trang xanh’ là Mộc Nhiên. Ngoài phát triển các dòng sản phẩm sợi từ đay, tre, chuối, dứa… họ còn tập trung vào mảng nhuộm tự nhiên – sử dụng nguyên liệu chính là mặc nưa, tô mộc, trà xanh, hoa hòe, măng cụt, hạt điều màu…

Ngoài bán các sản phẩm mình tự sản xuất, Mộc Nhiên còn tổ chức các buổi workshop để chuyển giao kỹ thuật nhuộm và tách sợi từ các nguyên liệu động thực vật có sẵn tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quần ‘biết thở’, áo chống nắng cao, khử mùi trong 3 ngày và tiềm năng vô tận của Việt Nam trong lĩnh vực 'thời trang xanh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO