Trịnh Châu từng được mệnh danh là "Thành phố iPhone" ở Trung Quốc khi đây là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm của Apple. Thế nhưng việc doanh số iPhone giảm tốc cũng như việc Apple dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã khiến thành phố này từ bỏ nhà táo khuyết để chuyển sang ông lớn BYD của ngành xe điện.
1,5 triệu xe điện
Tờ Nikkei Asian Review cho hay nhà máy BYD tại Trịnh Châu đã hoạt động từ tháng 4/2023 và đang cực kỳ nhộn nhịp, trái ngược với khung cảnh đìu hiu của các cơ sở trong chuỗi cung ứng Apple.
Hiện BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt sản phẩm tại đây, từ SUV Song Pro cho đến Sea Lion 07.
Trong năm 2023, BYD đã sản xuất 200.000 xe điện tại nhà máy Trịnh Châu và đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó trong năm nay. Một nhà máy sản xuất pin ô tô cũng đang được xây dựng trên khu đất liền kề.
Kéo theo đó, hàng loạt hãng ô tô cũng đang đổ tiền xây nhà máy ở Trịnh Châu.
Ví dụ như hãng quốc doanh SAIC Motor đã đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ, tương ứng 277 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở đây và đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2024.
Một giám đốc của SAIC cho biết tập đoàn có kế hoạch biến Trịnh Châu thành "trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện".
Tương tự, hãng sản xuất xe buýt hàng đầu tại Trung Quốc là Yutong Bus cũng đang thúc đẩy sản xuất xe buýt điện tại Trịnh Châu.
Bí thư An Wei của Trịnh Châu từng cho biết vào năm 2022 rằng ông sẽ biến nơi đây thành cơ sở sản xuất xe lớn nhất cả nước. Từ đó hàng loạt chính sách như trợ cấp nghiên cứu và phát triển, các ưu đãi dựa trên doanh số đã được đưa ra với mục đích tích lũy công nghệ cho mảng pin, động cơ xe điện và xe tự lái.
Nhờ nhà máy BYD mà tổng sản lượng xe điện sản xuất ở Trịnh Châu năm 2023 đã đạt 320.000 chiếc, nhiều gấp 3 lần so với năm trước đó.
Thị trưởng Trịnh Châu, ông He Xiong thậm chí cho biết thành phố có kế hoạch sản xuất hơn 1,5 triệu xe điện vào năm 2025, đồng thời gia tăng tỷ lệ phụ tùng được sản xuất tại địa phương lên 60%.
Từ bỏ Apple
Cho đến hiện tại, nền kinh tế Trịnh Châu vẫn phụ thuộc vào việc lắp ráp iPhone nhờ nhà máy của Foxconn, công ty vốn lắp ráp khoảng 60% tổng số iPhone. Nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu là nhà máy lớn nhất thành phố được thành lập vào năm 2010.
Tuy nhiên số liệu của cục thống kê Trịnh Châu cho thấy sản lượng điện thoại di động tại đây năm 2023 chỉ vào khoảng 140 triệu chiếc, chỉ bằng một nửa mức đỉnh năm 2017.
Nguyên nhân chính là do Apple dịch chuyển sản xuất iPhone sang Ấn Độ và các thị trường khác nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị.
"Chúng tôi từng làm việc 3 ca trong thời gian bận rộn nhất, nhưng giờ chúng tôi chỉ làm có 2 ca", một nguồn tin địa phương của Foxconn cho biết.
Tờ Nikkei cho hay tỷ lệ iPhone được sản xuất tại Ấn Độ ở mức thấp nhưng dự kiến sẽ đạt 25% trong vài năm tới. Thậm chí Foxconn đã công bố kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ.
Bên cạnh đó, việc doanh số bán iPhone giảm tốc cũng tác động đến Trịnh Châu.
Chuyên gia phân tích Kuo Ming Chi tại TF International Securities cho biết khối lượng đơn đặt hàng của Apple dành cho các nhà cung cấp với sản phẩm iPhone 16 trong khoảng tháng 10/2024 đến tháng 6/2025 thấp hơn gần 10 triệu đơn vị so với kế hoạch ban đầu.
Hậu quả là từ 350.000 người được Foxconn Trịnh Châu tuyển dụng thời kỳ đỉnh cao thì nay con số đã đã giảm xuống còn hàng chục nghìn nhân viên.
Điều này đã tác động lan rộng đến nền kinh tế địa phương. Khoảng một nửa trong số 130 nhà hàng phục vụ công nhân nhà máy dọc theo một con phố gần đó đã phải đóng cửa.
Ngay cả những cửa hàng còn trụ lại cũng không khá khẩm hơn.
"Doanh số của chúng tôi đã giảm xuống còn một phần ba so với thời kỳ đỉnh cao năm 2015-2017", người quản lý của một nhà hàng cho biết.
Xin được nhắc rằng lắp ráp iPhone là xương sống của nền kinh tế không chỉ ở Trịnh Châu mà còn ở tỉnh Hà Nam. Điện thoại di động chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ năm 2015 đến năm 2017 nhưng con số này đã giảm xuống còn 46% vào năm 2023.
Bởi vậy việc tìm lối ra cho nền kinh tế địa phương là điều bức thiết khi từ bỏ sự phụ thuộc vào Apple và xe điện được cho là giải pháp thay thế.
*Nguồn: Nikkei