TSMC mở rộng quy mô, chuẩn bị đầu tư 12 tỷ USD xây nhà máy chip mới

Vũ Anh | 16:03 10/11/2022

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị đầu tư vào nhà máy trị giá hàng tỷ USD khác ở Arizona.

TSMC mở rộng quy mô, chuẩn bị đầu tư 12 tỷ USD xây nhà máy chip mới

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị đầu tư vào nhà máy trị giá hàng tỷ USD khác ở Arizona, theo WSJ. 

Cụ thể, một nhà máy bán dẫn tiên tiến ở phía bắc Phoenix sẽ được xây dựng, nằm ngay cạnh nhà máy chip mà công ty đã cam kết hồi năm 2020. Quy mô khoản đầu tư dự kiến rơi vào khoảng 12 tỷ USD.

Động thái trên diễn ra sau khi Mỹ đồng ý cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn khoản tài trợ béo bở nhằm đưa ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến này trở lại đất Mỹ. Cơ sở mới của TSMC sẽ sản xuất loại chip 3 nanomet, nhỏ và nhanh nhạy nhất hiện nay.

Chia sẻ với WSJ, TSMC cho biết công suất nhà máy mới sẽ tương đương nhà máy tiền thân tại Arizona. Ban lãnh đạo đang cân nhắc bổ sung thêm dung lượng chip tiên tiến xong chưa đưa ra quyết định cuối cùng. 

Theo các chuyên gia, việc rót vốn xây dựng một nhà máy mới cho thấy sự lạc quan trong dài hạn của nhà sản xuất chip nhớ trong bối cảnh thị trường biến động. Được biết, nhu cầu đối với một số con chip đã giảm sau 2 năm tăng trưởng kỷ lục. Nhiều công ty chip, bao gồm cả TSMC, đã buộc phải cắt giảm các kế hoạch chi tiêu ngắn hạn để đối phó với suy thoái.

“Chúng tôi từng không có đủ chip nhưng giờ đây nhu cầu lại đang giảm. Điều này đang gửi tín hiệu gì? Nó làm nổi bật lên mối lo ngại ngày càng tăng rằng chúng ta sẽ sớm đối mặt với suy thoái ”, theo Matt Maley, chiến lược gia cấp cao tại Miller Tabak + Co. 

im-658238.jpg
Việc rót vốn xây dựng một nhà máy mới cho thấy sự lạc quan trong dài hạn của TSMC trong bối cảnh thị trường biến động.

Trước đây, mua chip "đúng lúc" được coi là tiêu chuẩn. Các công ty thường đặt hàng càng gần thời gian sản xuất càng tốt để tránh dư thừa hàng tồn kho, giảm công suất nhà chứa và cắt giảm chi tiêu trả trước. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm, các công ty này chuyển sang chiến lược mới: tích trữ càng nhiều chip càng tốt.

Sau một thời gian nỗ lực phục hồi, việc sản xuất chip nhớ dần ổn định, trong khi những công ty tích trữ chip quá mức bắt đầu cảm thấy áp lực.

 "Tích trữ từng là điều mà họ nghĩ là cần thiết, cho đến một ngày họ nhìn vào kho hàng và thắc mắc, tại sao mình lại mua nhiều đến mức này nhỉ?", Hutcheson chia sẻ với tờ Reuters.

Theo Reuters, khủng hoảng dư thừa chip sẽ không đồng đều giữa các lĩnh vực. Các nhà cung cấp chất bán dẫn lớn cho những công ty sản xuất điện tử tiêu dùng được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Lĩnh vực bán dẫn đặc thù như chip cho card đồ họa chơi game hoặc phục vụ các dự án tiền số cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

"Giá cả sẽ tiếp tục giảm, nhất là khi thị trường tiền số đang bên bờ vực sụp đổ", một chuyên gia nói. 

Theo nhà phân tích Matt Bryson của Wedbush, một số công ty chip cao cấp cũng chịu ít tác động, chẳng hạn như TSMC vẫn phải tăng cường sản xuất do nhu cầu cao từ Apple và một số đối tác. 

Tuy nhiên, bất chấp sự ảm đạm của toàn ngành trong ngắn hạn, các giám đốc điều hành vẫn kỳ vọng doanh thu toàn cầu sẽ tăng gấp đôi lên hơn 1 nghìn tỷ USD/năm trong thập kỷ tới, qua đó tạo cơ sở cho các khoản đầu tư khổng lồ. Ngân sách chi tiêu cũng đang được thúc đẩy bởi nhiều biện pháp khuyến khích xây dựng nhà máy ở Mỹ và Châu Âu, với hy vọng chuyển trọng tâm toàn ngành ra khỏi Châu Á. 

Tập đoàn Intel và nhà sản xuất bộ nhớ Micron Technology hiện đang cố gắng cân bằng khoản tiền mặt và vốn đầu tư ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu dài hạn. 

Năm nay, nước Mỹ phân bổ khoảng 39 tỷ USD tài trợ cho các nhà sản xuất chip, đồng thời cắt giảm thuế tô đối với một số thiết bị liên quan. Châu Âu cũng đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích nhằm tăng gấp đôi tỷ trọng sản xuất toàn cầu lên 20% vào năm 2030. Thông thường, các nhà máy sản xuất chip lớn thường mất vài năm để xây dựng và đi vào hoạt động. Quyết định rót vốn theo đó cần được đẩy nhanh để bắt kịp mục tiêu đã đề ra.

tai-xuong-51-.jpg
Theo New York Times, TSMC hiện sản xuất hầu hết các chip silicon công nghệ cao nhất thế giới.

TSMC hiện đang lên kế hoạch tổ chức buổi lễ khánh thành ở Arizona vào tháng 12 để lắp đặt lô thiết bị sản xuất đầu tiên tại nhà máy công bố cách đây 2 năm. Loại chip 4 nanomet tiên tiến công suất lớn sẽ được sản xuất tại cơ sở này, sau đó sản xuất hàng loạt vào năm 2024.

Việc chính phủ Mỹ và châu Âu tăng cường trợ cấp cho các nhà sản xuất chip cho thấy sự công nhận của giới chức, rằng chất bán dẫn không chỉ quan trọng đối với an ninh quốc gia, hệ thống vũ khí tiên tiến, mà còn đối với cả cuộc sống hàng ngày. Theo WSJ, TSMC đã xây dựng nhiều cơ sở sản xuất tiên tiến trong nước. Tập đoàn này hiện đang xem xét mở rộng quy mô hoạt động tại Nhật Bản và Singapore. 

Theo New York Times, TSMC hiện sản xuất hầu hết các chip silicon công nghệ cao nhất thế giới. Dòng chip có kích thước chỉ bằng móng tay với hàng tỷ bóng bán dẫn siêu nhỏ. 

"Loại chất bán dẫn sản xuất hàng loạt tiên tiến nhất, được sử dụng trong điện thoại thông minh, công nghệ quân sự và nhiều lĩnh vực khác, được gọi là chip 5 nm. TSMC tạo ra khoảng 90% trong số đó", một báo cáo cho biết. 

Giới chuyên gia đánh giá đây là mắt xích quan trọng nhất trong ngành công nghiệp chip nhớ song lại không được nhiều người Mỹ biết đến do TSMC không bán sản phẩm trực tiếp. 

"TSMC luôn là công ty dẫn đầu lĩnh vực này trong ba thập kỷ qua khi xác định rõ những thay đổi trong kinh doanh và theo đuổi những tiến bộ công nghệ. Trong khi đó Intel đã tụt hậu về mặt công nghệ trước TSMC. Mười năm trước, Intel có công nghệ xử lý tiên tiến nhất. Ngày nay, điều đó không đúng nữa", ông Chris Miller, giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts đánh giá.

Theo: WSJ, Reuters 

Bài liên quan

(0) Bình luận
TSMC mở rộng quy mô, chuẩn bị đầu tư 12 tỷ USD xây nhà máy chip mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO