Biến đổi khí hậu đang khiến các thành phố dễ bị ngập lụt hơn. Theo một nghiên cứu năm 2019, mực nước biển toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 60cm - 2,1m trong một thế kỷ nữa. Vào năm 2100, ít nhất 190 triệu người sẽ phải sống ở các khu vực trũng thấp dưới mực thuỷ triều.
Nghiên cứu cảnh báo: “Nếu những phát hiện của chúng tôi là đúng, các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới sẽ phải chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn nhiều so với dự đoán hiện tại”.
Nghiên cứu kết luận rằng nếu thế giới không hành động để giảm mực nước biển dâng, ngập lụt ven biển có thể gây thiệt hại tới 20% tổng GDP toàn cầu năm 2100.
Mối đe doạ về lụt đang thay đổi cách thức xây dựng các thành phố. Các kiến trúc sư đang điều chỉnh thiết kế của họ cho phù hợp với thực tế khí hậu mới.
Với việc sử dụng vật liệu bền vững, kỹ thuật sáng tạo, những thiết kế từ khắp nơi trên thế giới này có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong một tương lai mà ngập lụt có thể ngày một lan rộng.
Dưới đây là một số dự án sáng tạo của các kiến trúc sư cho một tương lai “sống trên mặt nước”.
Các cabin nhỏ gọn là phần mở rộng của khu nghỉ dưỡng Manhausen Island Resort, một khu nghỉ dưỡng sinh thái thuộc sở hữu của nhà thám hiểm vùng cực Børge Ousland. Một cabin có thể ở 5 người và có cửa sổ lớn hướng ra Biển Barents. Đây là nơi hoàn hảo để ngắm sao và đại bàng biển. Những căn nhà nổi này được chống bằng cột gỗ vững chắc bọc nhôm để tránh nước biển ăn mòn. Ảnh: Steve King.
Công ty Baca Architects chuyên xây dựng các công trình trên hồ hoặc bên cạnh hồ nước. Họ nổi tiếng với ngôi nhà chống lụt thông minh Amphibious House được xây dựng năm 2016 bên bờ sông Thames, Vương quốc Anh. Ngôi nhà này sẽ đặt trên mặt đất trong điều kiện khô ráo và sẽ nổi lên khi có lũ. Ảnh: Tim Crocker.
Dự án khu dân cư mới nhất của Baca Architects là những ngôi nhà được xây dựng trên vùng đồng bằng thường bị ngập lụt ở Stratford-Upon-Avon. 11 ngôi nhà được xây trên các cọc và có một vùng cho nước thoát bên dưới. Xung quanh nhà trồng nhiều cây xanh để tạo cảnh quan và hấp thụ một phần nước. Giám đốc công ty Richard Coutts nói rằng mô hình này cung cấp giải pháp giảm thiểu tác động của lũ và có thể xây dựng hàng loạt. Ảnh: Knight Frank.
Nhìn vào tương lai xa hơn, công ty kiến trúc BIG của Bjarke Ingels đã công bố ý tưởng về một thành phố nổi cho 10.000 người chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng. Thành phố Oceanix bao gồm nhiều hòn đảo nổi nhân tạo được neo đậu tại chỗ. Ảnh: BIG-Bjarke Ingels Group.
BIG công bố Oceanix City vào năm 2019. Đây sẽ là thành phố tự cung tự cấp. Mái nhà sẽ hấp thụ năng lượng mặt trời, trồng cây dưới nước và hệ thống không rác thải. Ảnh: BIG-Bjarke Ingels Group.
Trong một dự án khác của BIG có tên Urban Rigger ở Đan Mạch, sinh viên sẽ được cung cấp nhà nổi giá cả phải chăng với 9 container xếp lên nhau. Đó là giải pháp mới cho số lượng sinh viên ngày càng tăng ở trung tâm thành phố. Ảnh: BIG-Bjarke Ingels Group.
Công ty SLA có trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch, đã triển khai dự án Soul of Nørrebro. Dự án này sẽ sử dụng lượng nước mưa lớn cung cấp cho vùng đất ngập nước của đô thị. Việc này sẽ giúp nước sạch hơn và tạo ra không gian giao lưu văn hoá, xã hội. Công ty cho biết việc xây dựng sẽ được hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: SLA / Beauty and the Bit.
Để đối phó với rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và đô thị hóa ngày càng tăng, các kiến trúc sư người Anh Grimshaw đã hợp tác với các chuyên gia sản xuất Hà Lan Concrete Valley, thiết kế những ngôi nhà có khả năng chống lũ và giá cả phải chăng. Những ngôi nhà trên bê tông nổi có thể được sản xuất hàng loạt và được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời. Ảnh: Grimshaw Architects.
Trong khi nhiều bản thiết kế tập trung vào các khu đô thị phát triển, các cộng đồng nghèo ven biển đang gặp rủi ro do mực nước biển dâng bất thường. Makoto là một cộng đồng ven sông ở Nigeria. Họ dựng những ngôi nhà tạm bợ lênh đênh trên mặt nước. Ảnh: Uhurulabs/africanDrone/CfAfrica.
Vào năm 2013, công ty kiến trúc NLÉ cho ra mắt Trường học nổi Makoto để dạy học và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, trường học đã bị sập sau trận gió và mưa lớn năm 2016. Sau này công ty đã phát triển thành một công trình dựng sẵn, có thể lắp ráp gọi là Hệ thống nổi Makoto. Ảnh: Akintunde Akinleye/Reuters.
Trường Etania Matakana ở Beaufort, Malaysia, nằm dọc theo một con sông có nguy cơ bị lũ lụt nghiêm trọng. Tổ chức phi lợi nhuận BillionBricks chuyên cải tạo nơi trú ẩn cho những người khó khăn. Các lớp học được hỗ trợ bởi các container vận chuyển, bảo vệ họ khỏi lũ lụt và duy trì gió mát tự nhiên. Ảnh: Billiony Billion.
BillionBricks cho biết ngôi trường đã được sử dụng hơn 2 năm, giảng dạy cho 350 trẻ em của công nhân nhập cư. Ảnh: Billiony Billion.
Theo CNN