TS Nguyễn Xuân Thủy: Không nên "đẩy" bến xe ra xa trung tâm thành phố

Đinh Tịnh - Quang Minh | 09:01 25/04/2024

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải cho biết, cần phải giữ các bến xe ở trung tâm của các thành phố. Với quy hoạch của Hà Nội sau này, không nên kéo bến xe ra tận Đông Anh, Phú Xuyên sẽ gây khó khăn trong quá trình di chuyển của người dân.

TS Nguyễn Xuân Thủy: Không nên "đẩy" bến xe ra xa trung tâm thành phố
Trong tháng 3-4/2024, bến xe Nước Ngầm chỉ đạt trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50% so với trước dịch

4 kế sách cho bến xe Hà Nội

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, vấn đề quy hoạch bến xe, chọn vị trí bến xe và tiện nghi trong bến là vấn đề hết sức quan trọng. Không nên đưa các bến xe ra quá xa trung tâm Hà Nội sẽ gây bất tiện, mất thời gian trong quá trình di chuyển ra bến xe.

Thứ hai, các bến xe nên tăng cường, hoàn thiện xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Thứ ba là cơ chế quản lý bến xe phải linh hoạt năng động. Giám đốc bến xe phải được tự chủ trong việc "điều binh khiển tướng", xếp lốt xe ra, vào. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm.

Thứ tư, phải kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc", lắp đặt camera, giám sát xử lý mạnh, quyết tâm dẹp bằng được tình trạng này.

"Với loại hình xe hợp đồng, hiện tại, các xe này quá nhiều. Đây là điều hết sức vô lý, chúng tôi mong lực lượng chức năng, nhất là chính quyền địa phương phải quản lý chặt hoạt động của đối tượng này trên địa bàn", ông Thủy đề nghị.

Theo thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ Hà Nội đi 41 tỉnh với 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Trong đó, có 52 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội với 730 xe từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Sơn Tây và Nước Ngầm.

Còn theo số liệu thống kê của Cục đường bộ Việt Nam, hiện tổng lượng xe tuyến cố định khoảng 17.419 xe, giảm đến 399 xe, trong khi đó, số lượng xe hợp đồng tăng hơn 232.000 phương tiện, gấp hơn 14 lần xe tuyến cố định.

Trước việc bùng nổ xe hợp đồng trá hình trong thời gian qua, Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự lo ngại và đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương cần có biện pháp mạnh, chế tài nghiêm đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng trên.

Có chăng chuyện cắt lốt, bỏ bến ra chạy xe hợp đồng trá hình?

Có một thực trạng đáng buồn rằng, so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng hành khách vào bến hiện đang giảm mạnh, cùng với đó là hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động tại các bến xe.

Phải chăng bến xe phục vụ chưa tốt nên khách không quay trở lại, hay việc các xe hợp đồng trá hình đón khách từng con phố, từng nhà đã "bóp nghẹt" xe khách cố định?

Câu chuyện ở đây đặt ra là phải làm thế nào để khách quay lại bến xe hay hơn việc làm gì để thu hút khách vào bến xe. Bởi trước dịch, các doanh nghiệp vận tải không bỏ bến ra ngoài. Có nghĩa, lượng khách tương đối ổn cho nhà xe hoạt động.

Sau dịch, khách không vào bến xe nữa, trong khi lượng xe hợp đồng trá hình tăng mạnh. Như vậy là do hoạt động xe trá hình. Loại xe này đến tận nhà đón khách mang tới sự tiện lợi. Nếu việc đón khách tận nơi mà doanh nghiệp vận tải tuyến cố định làm được sẽ rất tốt.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp xe hợp đồng trá hình hiện nay đa số tách ở doanh nghiệp tuyến cố định ra. Đây là do công tác quản lý, xử lý xe trá hình chưa đến nơi đến chốn nên họ mới lôi kéo được khách từ bến xe. Điều này gây ảnh hưởng tới công tác tổ chức giao thông.

"Trách nhiệm và vai trò của địa phương rất quan trọng nên cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Bởi cơ quan thanh tra không thể kiểm tra sát sao bằng địa phương, nên cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương với hoạt động vận tải", ông Nguyễn Văn Lập, giám đốc bến xe Nước Ngầm nói.

Tạo cơ chế cho bến xe tự chủ trong điều phối nốt xe, giờ xuất bến

Nói thêm việc không nên đưa các bến xe ra khỏi trung tâm thành phố, ông Nguyễn Văn Lập đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy không nên đưa bến xe ra khỏi trung tâm các thành phố. Bởi lẽ bến xe là nơi có thể tạo ra điều kiện nhất định cho hành khách trong quá trình di chuyển, tạo bộ mặt trong lĩnh vực vận tải.

Từ kinh nghiệm bến xe Nước Ngầm, chúng tôi nghĩ rằng cần phải rất sâu sát trong đảm bảo dịch vụ. Chẳng hạn riêng về nhà vệ sinh, chúng tôi triển khai rất nhiều giải pháp đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, hạn chế mùi. Những đổi mới đó rất nhỏ nhưng thiết thực.

Hay công nghệ kiểm soát người ra vào, các nhà xe, người phục vụ trên xe phải nhận diện bằng vân tay và mống mắt còn hành khách được cấp mã QR chỉ cần quét là có thể ra. Chúng tôi đang phối hợp với một đơn vị phần mềm để làm bằng được điều này.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực để không chỉ kéo hành khách quay trở lại bến xe nữa mà phải tiếp cận đối tượng khách mới là những hành khách trẻ", ông Lập chia sẻ.

Ngoài ra, ông Lập cũng đề xuất nên thay đổi cơ chế cho phép bến xe tự chủ trong điều phối nốt xe, giờ xuất bến và phối hợp hai đầu bến để cho xe vào bến, việc này vừa tạo điều kiện cho bến xe và các doanh nghiệp vận tải thuận tiện trong hoạt động. Sở GTVT chỉ làm công tác hậu kiểm, bến xe làm sai thì xử lý nghiêm.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc giao quyền chủ động và gắn trách nhiệm cho các đơn vị bến xe là một xu hướng.

"Tại buổi làm việc với các bến xe tại Hà Nội trong thời gian gần đây đã đi đến thống nhất cho phép các bến xe có thể chủ động sắp xếp biểu đồ trong khu vực cao điểm. Có thể bố trí tăng xe ở giờ cao điểm và chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp, báo cáo với cơ quan cấp trên để đáp ứng nhu cầu của hành khách".

"Bản thân các bến xe phải chủ động đề xuất chính sách để chúng tôi báo cáo, tham mưu các cấp thẩm quyền giải quyết", ông Tuyển nói.

Các bến xe tại Hà Nội "thất thu" vì vắng khách

Ông Trần Hoàng, Phó giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2023, tình hình hoạt động vận tải tại các bến xe trên cả nước nói chung và tại các bến xe của CP Bến xe Hà Nội nói riêng (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) giảm 300.000 lượt/3 bến, chiếm 28%.

Trong đó, tùy theo từng bến, có bến Mỹ Đình giảm trên 30%; Bến xe Giáp Bát giảm 25% còn Bến Gia Lâm giảm gần 50%.

Về hành khách, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52%, trong đó Bến Gia Lâm giảm gần 70%. Cùng đó là các vấn đề sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19 ngày thường bến xe đón khoảng 600-700 lượt xe, riêng dịp lễ tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Riêng trong tháng 3-4/2024 chỉ đạt trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50% so với trước dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
TS Nguyễn Xuân Thủy: Không nên "đẩy" bến xe ra xa trung tâm thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO