Ông Lập cho biết thêm: Dù bến hoạt động chưa đến 1/2 công suất nhưng xét theo danh mục công bố mạng lưới tuyến cố định hiện nay của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì Bến xe Nước Ngầm đã quá tải bởi lượng xe ảo rất lớn.
Chính vì thế, Bến xe Nước Ngầm đã có đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại mạng lưới tuyến cố định, đề nghị bỏ quy định để 20% lốt dự phòng cho những ngày lễ, tết; cắt bỏ lốt của những doanh nghiệp có đăng ký lốt trên mạng của Bộ GTVT mà lâu không đưa xe vào hoạt động, hoặc đăng ký mà không chạy đủ tần suất đăng ký.
Nếu thực hiện được những điều trên, Bến xe Nước Ngầm sẽ còn hơn 500 lốt trống. Các bến xe khác, nếu tính toán lại như trên cũng sẽ còn khá nhiều lốt để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Lập thông cũng cho biết, tại bến xe Nước Ngầm có một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình như Văn Minh, An Phú Quý hiện không bao giờ phải lo về khách.
"Tôi cho rằng, các doanh nghiệp vận tải hành khách lớn, kể cả xe hợp đồng muốn xây dựng thương hiệu khi vào bến cũng không lo về vấn đề kinh doanh".
Đối với cách đặt vấn đề đưa ra một số quy định để các xe hợp đồng trá hình không cần vào bến mà vẫn hoạt động được, ông Lập cho rằng nếu thực hiện theo hướng này, tất cả các bến xe sẽ không thể tồn tại, như vậy, liệu trong đô thị còn chỗ đỗ xe hay còn đường để đi hay khôn", ông Lập nói.
Nói thêm về việc tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển ra bến xe, ông Lập cho hay, hiện nay nhiều đơn vị vận tải đã đưa xe trung chuyển vào hoạt động đưa đón, trung chuyển hành khách từ nhà ra bến xe và lượng khách duy trì vẫn tốt.
Hiện nay, theo quy định, chỉ doanh nghiệp vận tải tuyến cố định được sử dụng xe trung chuyển, nhưng nếu tất cả doanh nghiệp cùng đăng ký, hoạt động xe trung chuyển sẽ rất phức tạp.
Từ đó, ông Lập đề xuất, nên có mô hình xe trung chuyển do công ty đứng ra thực hiện chung tại một thành phố, ứng dụng phần mềm để đặt xe cho người dân dễ dàng sử dụng, sẽ giải quyết được vấn đề này.
Đã không còn tình trạng "mua bán" lốt xe
Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, Việc Hà Nội bố trí xe khách theo hướng tuyến Bắc Nam Đông Tây để tránh xe chạy xuyên tâm, gây thêm ùn tắc cho thủ đô đã được nhiều các cơ quan của Hà Nội đã cùng vào cuộc mới đưa ra được kế hoạch.
Bên cạnh đó, mục đích lớn nhất của việc phân hướng tuyến là để giảm tình trạng mua bán lốt xe.
Thực tế, đến nay không còn tình trạng mua bán lốt và cho thấy rõ hiệu quả của cách bố trí trên. Do đó, việc coi đây là nguyên nhân dẫn đến nảy sinh xe dù bến cóc là không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Lập cũng phân tích về việc tại sao lại có xe hợp đồng trá hình.
"Bản thân tôi là quản lý của bến xe, khi nhắc đến câu chuyện xe hợp đồng trá hình, tôi cũng tâm tư rất nhiều. Tôi cũng thống nhất với các quan điểm cho rằng xe trá hình xuất phát từ trong và sau dịch", ông Lập nói.Trước đó, xe dù bến cóc hoạt động không nhiều nhưng sau dịch là nở rộ. Trong dịch, việc đi lại của người dân hạn chế nên một số đơn vị lợi dụng sơ hở để chở hàng, chở người. Sau dịch thấy có lợi thì phát triển rộng.
"Tôi cho rằng nguyên nhân xe dù, bến cóc phát triển mạnh là do công tác quản lý chưa kịp thời bám sát thực tiễn" ông Lập nhận định