TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường chủ yếu là phân khúc cao cấp dành cho giới nhiều tiền, "tuyệt chủng" phân khúc bình dân

Phương Hoàng | 07:00 11/10/2024

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, phân khúc bình dân đang thiếu hụt, không thấy dự án mới. Cần điều tiết thị trường theo hướng thiếu cung thì tăng cung, thiếu sản phẩm phân khúc nào thì tăng phân khúc đó.

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường chủ yếu là phân khúc cao cấp dành cho giới nhiều tiền, "tuyệt chủng" phân khúc bình dân
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ngày 10/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: "Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản".

Tại buổi Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ rõ số lượng dự án chung cư, nhà ở xã hội, số sản phẩm mới được triển khai vừa qua rất khiêm tốn. Điều này có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở thời gian tới. Thị trường hiện nay đang mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc.

GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm trên thị trường yếu, cầu lớn, giá Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có TP.HCM giai đoạn 2023-2024, gần như nhu cầu không tăng, giá các phân khúc không tăng, riêng nhà chung cư vẫn duy trì mức tăng khoảng 6%. 

Theo ông Cường, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 kỳ vọng sẽ thúc đẩy được những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực lớn đáp ứng được nhu cầu thị trường và sẽ tiếp cận được các dự án bất động sản. 

"Chúng ta cũng sẽ có điều kiện để mở rộng thị trường. Và khi mà điều kiện tiếp cận đất đai, tiếp cận các dự án đã được tháo gỡ thì nguồn cung sẽ phong phú lên và đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới", ông Cường nói.

Trong thời gian tới, để tạo lập cân bằng cho thị trường BĐS, chống đầu cơ, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn sẽ không giúp tăng cung bất động sản, thay vào đó, gói lãi suất tín dụng dài hạn cho vay bất động sản mới tạo ra cầu mới, tạo ra cân bằng mới trên thị trường.

Theo đó, ông đề xuất cần mở nút thắt pháp lý để rào cản không còn nữa và nhà đầu tư dễ dàng đầu tư hơn, giảm chi phí để tăng tiếp cận nguồn cung bất động sản.

Đưa ra đề xuất để tạo lập cân bằng trên thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng chính sách điều tiết thị trường bất động sản thời gian tới cần thúc đẩy phân khúc bình dân nhiều hơn thời gian tới, nhờ đó, thị trường mới phát triển thực chất và ổn định.

Theo ông Đính, việc giá bất động sản leo thang đơn thuần xuất phát từ quy luật cung cầu. Nếu muốn “hạ nhiệt" giá bán, yếu tố cần được tác động chính là nguồn cung, thay vì các can thiệp hành chính.

Hiện trên thị trường  chủ yếu là phân khúc cao cấp dành cho giới nhiều tiền, đầu tư. Chính phủ cũng quyết liệt phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Thế nhưng, phân khúc bình dân đang thiếu hụt, không thấy dự án mới. Việc phân khúc đáng lẽ phải phổ biến nhất bỗng dưng bị “tuyệt chủng" là một sự bất thường.

Theo ông Đính, cần điều tiết thị trường theo hướng thiếu cung thì tăng cung, thiếu sản phẩm phân khúc nào thì tăng phân khúc đó. Việc thực thi khung khổ pháp lý mới, phổ biến các quy định mới cũng cần đẩy nhanh.

Chia sẻ tại hội thảo về diễn biến thị trường thời gian qua, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết giá bất động sản biến động cục bộ tại một số phân khúc bất động sản và tại một số tỉnh, thành. Riêng tại Hà Nội có một số dự án bất động sản, phiên đấu giá đất tăng cao so với giá khởi điểm và mặt bằng chung. Điều này cần làm rõ tác động tăng giá bất động sản đến từ đâu, có phải từ cơ chế chính sách mới được ban hành hay không?

Đánh giá về tác động của các luật liên quan đến bất động sản, ông Dũng cho biết: “Các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực bước đầu tác động đến thị trường bất động sản như về nguồn cung, giao dịch bất động sản. Trong quý III/2024, nguồn cung của thị trường bất động sản đã được cải thiện so với trước, kể cả phân khúc chung cư, nhà gắn liền với đất, biệt thự và nhà liền kề. 

Ngay sau khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực đã có nhiều dự án được triển khai và mở bán. Các luật có hiệu lực tạo điều kiện thêm nhiều nguồn cung, các doanh nghiệp và địa phương có ngay cơ sở để thực hiện".


(0) Bình luận
TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường chủ yếu là phân khúc cao cấp dành cho giới nhiều tiền, "tuyệt chủng" phân khúc bình dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO