TS. Cấn Văn Lực: Cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư

Dương Trang | 11:51 10/03/2023

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, các cơ quan ban ngành cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc tráiphiếu vừa qua, thực hiện Nghị định 08/2023 và Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản 2023.

TS. Cấn Văn Lực: Cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Ba cơn gió ngược

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân lần thứ III, TS. Cấn Văn Lực cho biết, không ai nghĩ rằng tình hình thị trường bất động sản bất ổn như hiện tại, giới chuyên gia gọi là một năm “họa vô đơn chí” đối với thế giới và Việt Nam. Giớichuyên gia Việt Nam và IMF tổng kết có ba cơn gió ngược:

Thứ nhất, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đang ở mức độ nhẹ nhưng điều này tác động tới Việt Nam khá lớn về đầu tư, xuất khẩu và du lịch.

Thứ hai, là thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng vẫn tăng trưởng chậm, đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Nhưng những nước như Việt Nam hay Trung Quốc tăng trưởng 5% chưa phải là thành công. Những khó khăn trên thị trường Trung Quốc đã tác động rất lớn đến Việt Nam.

Thứ ba, là thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu bất ổn tương đối. Mặc dù tình hình đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn rất lớn.

TS. Lực cho rằng nếu không có giải pháp cho những cơn gió ngược này, chúng ta sẽ đánh mất khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Theo dự báo, tăng trưởng năm nay dưới 6%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn. Trong đó, chúng ta phải giải quyết bài toán nguồn vốn, là nút thắt rất lớn trong năm qua và năm nay vẫn còn những rủi ro nhất định.

Nói về vai trò của thị trường bất động sản, đây là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Ngành kinh doanh bất động sản và xây dựng đóng góp gần 10% GDP trong năm 2022. Bất động sản là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị. Đồng thời, ngành bất động sản xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết năm 2022, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 66,2 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI đăng ký.

Như vậy có thể thấy, ngành bất động sản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và lan tỏa. Trong đó, lan tỏa ít nhất 4 ngành nghề lớn là lĩnh vực lưu trú, lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng và một số lĩnh vực khác. Đặc biệt, đây là ngành liên quan mật thiết giữa 4 thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Nếu 1 trong 4 lĩnh vực này xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng đến các ngành khác và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế vô cùng lớn.

Hướng tới minh bạch

Để khơi thông dòng chảy của thị trường bất động sản, rất cần nguồn vốn và cơ chế chính sách. Đây là hai biện pháp cần và đủ để thị trường trở lại trạng thái hoạt động bình thường.

Theo đó, về nguồn vốn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết dành 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ 4 ngân hàng thương mại quốc doanh.

Liên quan đến cơ chế, chính sách, Chính phủ liên tục có những giải pháp tháo gỡ cho thị trường, như hồi tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản với nhiệm vụ chính là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước dự kiến hạn mức tín dụng tăng khoảng 14 - 15% năm 2023.

Đồng thời một loạt các giải pháp khác như: Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023, sửa đổi một số quy định trong Nghị định 65 (2022) theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn. Đặc biệt, sau Hội nghị trực tuyến ngày 17/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Giải pháp cụ thể gỡ khó cho thị trường là các cơ quan ban ngành cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc tráiphiếu vừa qua, thực hiện Nghị định 08/2023 và Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản 2023.

Đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… chú trọng điều tiết cung – cầu bất động sản.

Hoàn thiện thể chế theo hướng: Sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; cân nhắc phương án tiếp tục thực hiện Nghị định 65 (2022) từ đầu năm 2024.

Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt: quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ REITs, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…

Về giải pháp với doanh nghiệp bất động sản, theo TS. Lực, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 - 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…. Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Cấn Văn Lực: Cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO