Tư duy lại về du lịch
Đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch chìm trong ảm đạm khi thị trường nội địa đóng băng vì các biện pháp giãn cách xã hội, còn thị trường khách quốc tế bị đóng cửa. Gần 95% doanh nghiệp du lịch phải ngừng hoạt động. Tại nhiều địa phương, du lịch không còn là động lực chính thúc đẩy kinh tế.
Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch trở lại vào ngày 15/3/2022, đông đảo du khách nhanh chóng đổ tới các điểm đến sau thời gian dài bị kìm nén nhu cầu. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu Việt Nam đặt ra năm nay là đón 5 triệu lượt khách quốc tế dường như không còn khả thi. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch tính đến 29/9, Việt Nam mới đón 1,6 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, khó có thể phủ nhận rằng du lịch Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề muôn thuở, gây ảnh hưởng đến lượng khách cả trong và ngoài nước, cũng như khả năng phát triển bền vững trong tương lai.
“Tại sao khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan? Tại sao khách đến Việt Nam chi tiêu ít hơn rất nhiều? Tại sao họ truyền tai nhau là đi Việt Nam đẹp, rẻ, nhưng không chuyên nghiệp và dịch vụ kém?”, chị Trần Nguyện, trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Sun World, thương hiệu vui chơi giải trí của Sun Group, đặt ra hàng loạt vấn đề trong hội thảo “Phục hồi và Phát triển Du lịch Việt Nam sau Đại dịch Covid-19” tuần qua.
“Đã từng có những giai đoạn chúng ta đón rất nhiều dòng khách 0 đồng. Họ đến có mang lại điều gì không, hay chỉ giúp tăng số lượng khách đến?”, chị phát biểu.
Với vai trò thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, chị Nguyện cho rằng điều đầu tiên cần làm là tư duy lại về du lịch. Theo chị, Covid-19 tạo ra khoảng lặng để nghĩ lại về du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững thay vì ham số lượng.
"Chưa chắc rẻ khách đã đồng ý mua"
Số lượng khách quá lớn cũng có mặt trái. Những người làm dịch vụ sẽ gặp khó khăn trước nhiệm vụ chăm sóc chu đáo cho toàn bộ khách hàng. Bên cạnh đó, doanh thu chưa chắc đã tốt hơn.
Trên cơ sở này, chị Nguyện đề xuất du lịch Việt Nam nên tập trung vào yếu tố “thâm canh”, tức là gia tăng tần suất quay trở lại của khách nhờ những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, từ đó gia tăng doanh thu. Các bên có thể hợp tác để tạo ra những combo sản phẩm mới với giá không đổi, nhưng giúp khách có nhiều lựa chọn và trải nghiệm tốt hơn.
“Hãy bỏ quan điểm kích cầu bằng giảm giá. Đây là quan điểm vô cùng sai lầm. Các điểm đến nếu không định vị được điều này sẽ biến mình thành thương hiệu giảm giá và rất sớm đi xuống”, trưởng ban kinh doanh của Sun World nhấn mạnh.
Để thuyết phục khách trở lại nhiều lần mà không cần giảm giá, sản phẩm và dịch vụ bắt buộc phải được chăm chút. “Chưa chắc rẻ mà họ đã đồng ý mua. Hội đồng Tư vấn Du lịch đã khảo sát online và nhận thấy tỷ lệ khách muốn giá rẻ đã ít hơn đáng kể so với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nói cách khác là đáng đồng tiền bát gạo. Họ muốn chất lượng tương ứng với số tiền bỏ ra”, chị Nguyện nói.
Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề rộng hơn rằng du lịch gồm nhiều hình thức và mục đích khác nhau. Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng khác với du lịch trải nghiệm, khám phá.
Nhìn nhận theo một khía cạnh khác, anh Vũ Tuấn Phong – founder công ty chuyên về du lịch trải nghiệm Haydi Tour – cho biết với nhiều công ty du lịch và mô hình kinh doanh, biện pháp giảm giá trong giai đoạn này vẫn rất hiệu quả và có lợi cho việc gia tăng thị phần.
“Với bối cảnh sau đại dịch nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, tài chính trong dân không còn dư dả, tôi nghĩ giảm giá là một phương án tốt mà các công ty có thể vận dụng để kích cầu, gia tăng doanh thu và thị phần, giúp doanh nghiệp dần vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh chia sẻ.
Anh Phong lưu ý thêm rằng khuyến mại chỉ là một trong nhiều phương án để các doanh nghiệp vận dụng. Tùy từng điều kiện, mô hình đặc thù thì mỗi công ty lại có các phương án và cách vận dụng khác nhau.
Cải thiện cách làm sản phẩm và dịch vụ du lịch
Phó giám đốc khối kinh doanh VNPAY Trần Đình Thành cho biết nhiều du khách vẫn phàn nàn về dịch vụ tại Việt Nam. Theo phân tích dữ liệu của VNPAY, tình trạng đầu tiên gây khó chịu cho du khách nói chung là chèo kéo mà không hiểu nhu cầu của họ. Tiếp đó là giá cả không đồng nhất, khách bị chặt chém, thái độ người phục vụ chưa chuyên nghiệp.
Nhìn sang nước bạn Thái Lan, anh Thành cho rằng Việt Nam còn thua kém khá nhiều ở chỗ chưa xây dựng được cộng đồng cùng nhau up-sale hay cross-sale. “Ở Thái Lan, khi khách đến địa điểm ăn uống, ngay lập tức cửa hàng đó sẽ có những voucher giảm giá cho một khu mua sắm. Khu mua sắm lại có voucher cho khu giải trí về đêm, từ đó khuyến khích khách chi tiền nhiều hơn”, anh nói.
Để cải thiện tình hình, anh Phong đề xuất duy trì và đẩy mạnh hoạt động giao lưu, chia sẻ, đào tạo về sản phẩm du lịch, cách làm du lịch giữa các địa phương, cơ quan quản lý, với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài.
Dựa trên kinh nghiệm của Sun World, chị Nguyện cũng đưa ra 3 hướng phát triển sản phẩm du lịch. Trước hết là đầu tư mới, tái đầu tư vào những công trình biểu tượng; tiếp đó là gia tăng trải nghiệm hệ sinh thái; cuối cùng là giải quyết tính mùa vụ của du lịch Việt Nam.
Chị lấy ví dụ Hạ Long là địa điểm nổi tiếng, nhưng khi không có khách quốc tế thì tính mùa vụ rất rõ rệt, ảnh hưởng lớn đến doanh thu, vận hành và duy trì nhân sự. Premier Village Ha Long Bay Resort là một trong những điểm đến đã làm ra được các gói sản phẩm giải quyết được tính mùa vụ như Lazy Sunset Bar, nơi khách hàng đến nghe nhạc và chill với chi phí hợp lý, ngồi chính trên khu bể bơi mà bình thường mùa lạnh có thể đóng cửa.
Về mặt dịch vụ, chị Nguyện kêu gọi những người hoạt động trong ngành du lịch phục vụ khách hàng bằng cả tấm lòng. “Đó mới là điều khách hàng sẽ mang về. Sản phẩm có thể gây ấn tượng với những công trình đặc sắc, nhưng điều chạm tới tim khách hàng và tạo ra cảm xúc lại là dịch vụ, dù điều đó rất nhỏ”, chị cho hay.
Các chuyên gia trong ngành du lịch còn lưu ý về tiềm năng to lớn của thị trường nội địa. Đây chính là đòn bẩy đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi hậu Covid-19, khi thị trường quốc tế không đạt kỳ vọng. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường nội địa đạt gần 87 triệu lượt khách, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ có 66 triệu lượt. Dự kiến đến hết năm con số này sẽ lên tới 100 triệu lượt.
Chị Nguyện chỉ ra hai đường bay nội địa tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2019 là Đà Lạt với 163% và Phú Quốc với 198%. Trong khi đó, Phú Quốc được cho là điểm du lịch đắt đỏ hàng đầu, đắt hơn những nơi nổi tiếng khác như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng khoảng 20-25%, bao gồm cả giá vé máy bay, khách sạn hay tour, tuyến.
“Từ bài học của Sun Group, chúng tôi nhận ra rằng khách du lịch nội địa vô cùng tiềm năng và cần nghiêm túc chú trọng bằng cách khai thác và cung cấp những dịch vụ tốt hơn. Họ hoàn toàn có thể chi trả và muốn được chi trả”, chị nêu quan điểm.