Trong sáng 1/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới có lúc giao dịch ở mức 3.138 USD/Ounce, cao nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước hôm nay đồng loạt tăng mạnh, trong đó giá vàng miếng SJC ở mức 99,8 - 102,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với giá chốt phiên ngày hôm qua. Giá vàng nhẫn cũng vượt mức 102,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Những lo ngại về tình hình chính trị khiến cho vàng tiếp tục trở thành kênh trú ẩn được nhà đầu tư quan tâm. Thậm chí, không ít chuyên gia đã kỳ vọng vàng thế giới lên 3.200 USD/ounce và cao hơn nữa – chạm ngưỡng 4.000 USD/ounce trong dài hạn.
Nhưng ở chiều ngược lại, không ít người cũng đặt câu hỏi, liệu giá vàng sẽ giảm và có hay không "kịch bản" về sự sụt giảm tương tự như 14 năm trước?

Trước diễn biến giá vàng, Jon Mills - nhà phân tích tại Morningstar, công ty nghiên cứu và phân tích tài chính hàng đầu có trụ sở tại Mỹ nhận định, giá vàng có thể lao dốc tới 38% xuống chỉ còn 1.820 USD/ounce trong vòng trong 5 năm tới.
Theo chuyên gia này, giá vàng tăng cao đã kích thích các công ty khai thác vàng đẩy mạnh sản xuất và nguồn cung cao hơn sẽ tạo thêm áp lực giảm giá trong những năm tới.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, khai thác vàng ngày càng trở nên sinh lợi trong những năm gần đây. Biên lợi nhuận trung bình của thợ đào vàng đạt 950 USD/ounce trong quý II năm 2024, giai đoạn khai thác có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2012.
Tổng trữ lượng vàng đã được khai thác và đang tồn tại trên mặt đất dưới các dạng khác nhau đã đạt 216.265 tấn vào năm 2024, tăng 9% trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, lượng vàng tái chế cũng đang gia tăng đáng kể. Jon Mills nhấn mạnh: “Ai cũng muốn mở mỏ vàng vì lợi nhuận quá hấp dẫn. Điều này sẽ khiến nguồn cung tăng mạnh trong thời gian tới và có thể khiến giá vàng giảm, bởi quy luật cung - cầu luôn chi phối thị trường".
Trong 20 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Kitco News, chỉ có Adam Button - trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com là người duy nhất dự báo giá vàng có thể giảm trong thời gian tới.
Button kỳ vọng căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ hạ nhiệt nhờ USMCA (Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada), điều này có thể khiến vàng suy yếu. Ông cũng lưu ý rằng nếu có đợt giảm giá, đây vẫn là cơ hội để mua vào.
Ở thị trường vàng trong nước, kim loại quý này từng chứng kiến đà tăng liên tục và mạnh mẽ giai đoạn 2009-2011 với mức tăng tới hơn 150%. Trong vòng 3 năm, giá vàng trong nước đã tăng từ 19 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng, tăng tới hơn 30 triệu đồng/lượng. Đây cũng được xem là giai đoạn "cơn sốt vàng" khi nhu cầu mua vàng của người Việt bị đẩy lên đỉnh điểm.
Tuy nhiên, giá vàng đã đột ngột quay đầu lao dốc và đứng yên trong một thời gian khá dài. Trước ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước chững lại và bắt đầu giảm từ cuối năm 2011. Trải qua các đợt tăng giảm đan xen trong suốt năm 2012-2013.
Năm 2014, giá vàng chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/lượng, tức giảm đến 15 triệu đồng/lượng so với đỉnh năm 2011, mức giảm khoảng 30%. Suốt 5 năm sau đó (đến 2019), vàng chỉ còn loanh quanh 34-36 triệu đồng/lượng.
Có thể nói, trong lịch sử và hiện tại, giá vàng trong nước nhìn chung vẫn có sự đồng pha nhất định với giá vàng thế giới.