Trước cảnh ‘cát nuốt chửng người’, Trung Quốc mang rừng vào sa mạc, đi ngược quy luật truyền thống khiến thế giới ngả mũ thán phục

Thiên Di | 07:04 19/06/2024

Dự án Tam Bắc là một trong những dự án trồng rừng lớn nhất thế giới, tạo nên một hành trình ấn tượng về cuộc chiến chống sa mạc hoá tại Trung Quốc.

Trước cảnh ‘cát nuốt chửng người’, Trung Quốc mang rừng vào sa mạc, đi ngược quy luật truyền thống khiến thế giới ngả mũ thán phục

Nằm ở khu vực phía bắc Trung Quốc, Dự án Tam Bắc, khởi động từ năm 1978, được ví như "bức tường xanh vĩ đại" nhằm ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Gobi. Trải qua gần nửa thế kỷ, dự án đã phủ xanh 480 triệu mẫu đất bằng việc trồng rừng và cải tạo đồng cỏ bị sa mạc hoá.

Thành công của Dự án Tam Bắc được thể hiện rõ nét qua việc độ che phủ rừng đã tăng từ 5,05% năm 1978 lên 13,84%, diện tích đồng cỏ sa mạc hóa giảm từ 85% năm 2004 xuống còn khoảng 70%.

Ông Đường Phương Lâm, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ quốc gia Trung Quốc, chia sẻ: "Từ ‘sa mạc nuốt chửng con người', giờ đây nhiều khu vực trọng điểm đã chuyển mình mạnh mẽ sang 'xanh hóa đẩy lùi cát'".

Trong tư duy truyền thống, cây bụi hoặc cỏ sẽ giúp kiểm soát những vùng cát dịch chuyển, còn việc trồng cây trên cồn cát dịch chuyển là đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc xưa nay đã có những bước đột phá táo bạo và dấn thân vào con đường đổi mới. Họ đã thử nghiệm với loài thông Scotland Mông Cổ chịu hạn.

Trong những năm đầu, không một cây con nào sống sót qua thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai cây thông non còn sống bị cát vùi lấp. Rút kinh nghiệm từ đó, những cây thông phát triển thành những khu rừng trên cát. Thông cũng trở thành loài cây cốt lõi trong Dự án Tam Bắc hiện nay.

Một công nhân đang tưới nước cho thông. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, hành trình phủ xanh "vùng đất khô cằn" vẫn còn nhiều thách thức. Ông Lư Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Tam Bắc, nhà khoa học hàng đầu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Trung Quốc nhận định: "Dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác kiểm soát sa mạc hóa, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với bài toán nan giải về diện tích đất hoang mạc hóa rộng lớn, phân bố rải rác, mức độ nghiêm trọng và khó khăn trong việc cải tạo".

Ông cho biết thêm rằng bên cạnh những vấn đề tổn tại lâu nay như rừng phòng hộ bị suy giảm, thiếu nước, Dự án Tam Bắc còn phải đối mặt với thách thức mới trong việc kiểm soát cát bụi.

Khoa học công nghệ được xác định là yếu tố đóng vai trò then chốt, góp phần vào thành công của Dự án Tam Bắc. Từ những sáng kiến như "khối Rubik Trung Quốc" - kỹ thuật sử dụng rơm rạ để tạo thành các ô vuông nhằm cố định cát hiệu quả, cho đến hệ thống kiểm soát cát ở Sa Phố Đầu giúp bảo vệ tuyến đường sắt Bao Lan thông suốt hơn 60 năm qua. Đây là minh chứng cho khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong việc kiểm soát sa mạc hóa. Trung Quốc đã và đang không ngừng nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.

Công nhân đang làm khối rubik rơm. Ảnh: Xinhua

Nhằm tạo động lực mới cho Dự án Tam Bắc, hồi tháng 6/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy mạnh công tác phòng chống sa mạc hóa và thúc đẩy Dự án Tam Bắc. Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ quốc gia Trung Quốc đã thành lập 15 trung tâm khoa học công nghệ tại ba khu vực trọng điểm của dự án, đồng thời triển khai đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đến tận cơ sở, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, chống sa mạc hóa.

Ông Lư Kỳ cho biết giai đoạn mới sẽ phải tận dụng công nghệ để xây dựng hệ thống giám sát trên không và dưới mặt đất, ứng dụng công nghệ số trong quản lý rừng, phát triển các giống cây chịu hạn và nghiên cứu các thiết bị thông minh phục vụ trồng rừng, chống sa mạc hoá. Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước cũng được chú trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Theo China News, China Daily

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trước cảnh ‘cát nuốt chửng người’, Trung Quốc mang rừng vào sa mạc, đi ngược quy luật truyền thống khiến thế giới ngả mũ thán phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO