Ngày 10/4 vừa qua, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã ra thông cáo siết chặt kiểm soát các bữa tiệc tại khách sạn, nhất là những bữa tiệc có giá 1.500 Nhân dân tệ/người, tương đương 218 USD trở lên.
Mục tiêu của động thái này là nhắm đến việc ăn uống thừa thãi, bỏ phí thực phẩm vốn là văn hóa điển hình tại các bữa tiệc tại Trung Quốc.
Tờ Economist cho biết vì giữ “mặt mũi”, thể hiện sự giàu có hoặc lòng hiếu khách mà các chủ bữa tiệc thường chuẩn bị thức ăn vượt quá khả năng tiêu thụ của các thực khách. Thậm chí việc thừa thãi thức ăn được coi là chuẩn tắc cho sự giàu có, hào phóng đối đãi khách ở các bữa tiệc.
Đây được coi là động thái mới nhất trong việc nỗ lực duy trì chính sách từ năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà mọi người thường gọi là “dọn đĩa” (Clean Plate). Kể từ đó đến nay, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã liên tục áp dụng những chính sách cứng rắn nhằm giảm lượng thực phẩm bị lãng phí, bao gồm việc loại bỏ những video “ăn thùng uống vại” (Mukbang) từng tràn lan trên mạng xã hội.
Bộ luật chống lãng phí thức ăn khiến các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị phạt đến 100.000 Nhân dân tệ, tương đương 15.800 USD cùng những hình thức kỷ luật khác của cơ quan chức năng.
Vào tháng 3/2023, hàng loạt tỉnh tại Trung Quốc như Fujian, Yunnan, Shandong và Jiangsu đã tổ chức phong trào giảm thức ăn thừa.
Theo một cuộc khảo sát năm 2020, ít nhất 34 triệu tấn lương thực đã bị lãng phí ở các nhà hàng tại những thành phố lớn Trung Quốc hàng năm. Đặc biệt tại những buổi lễ tiệc, khoảng 30-40% số lương thực không được tiêu thụ hết và phải bỏ đi một cách lãng phí.
Cũng theo thông cáo của NDRC, các khách sạn, nhà hàng sẽ phải quy định số lượng thức ăn giới hạn phục vụ cho mỗi buổi tiệc, đồng thời có các điều khoản chặt chẽ, chi tiết về dịch vụ ẩm thực nhằm chống lãnh phí.
Ăn cho hết hoặc nộp phạt
Theo tờ The Economist, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng trải qua thời kỳ nạn đói !959-1961 tại Trung Quốc nên ý thức được rất rõ về việc đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân. Tại thời điểm đó, thậm chí những trường học cấp cao của Trung Quốc cũng chỉ có thể ăn cháo cho bữa tối.
Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng nhắc lại thời kỳ khó khăn này với ký ức hàng tháng trời không biết mùi vị miếng thịt như thế nào.
Tuy nhiên 40 năm sau kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế, Trung Quốc lại đang là một trong những quốc gia lãng phí lương thực nhiều nhất thế giới.
Chuyên gia Chen Shaofeng của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) từng phát biểu rằng lượng thực phẩm mà nước này lãng phí chiếm đến 1/3 tổng số lương thực bị vứt đi hàng năm trên toàn cầu.
Đồng quan điểm, một nghiên cứu đăng tải trên tờ Nature vào năm 2021 cho thấy mỗi năm có khoảng 350 triệu tấn lương thực bị bỏ phí tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Thậm chí nếu chỉ tính lượng thức ăn thừa bỏ phí bởi các nhà hàng thì con số này cũng lên tới 17-18 triệu tấn mỗi năm, đủ để nuôi sống hàng chục triệu người.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2020 từng nhận định tình trạng lãng phí lương thực là quá sốc và đau buồn. Chỉ 1 năm sau đó, bộ luật chống lãng phí thức ăn ra đời nhằm thay đổi thói quen bỏ phí lương thực của người dân, nhất là trong tầng lớp nhà giàu đô thị. Hàng loạt những quy định về bảo quản ngũ cốc, khuyến khích người dân gọi món vừa đủ, ăn uống lành mạnh được đưa ra.
Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn cũng được khuyến khích phạt thực khách nếu họ không ăn hết số đồ ăn đã gọi.
Trong khi đó, tờ Nature cho biết lãng phí lương thực không chỉ là vấn đề của người tiêu dùng mà còn liên quan cả đến khâu sản xuất, từ nông trại đến bàn ăn. Nghiên cứu của tạp chí này cho thấy một nửa lượng lương thực lãng phí tại Trung Quốc đến từ việc thất thoát trong quá trình chế biến, bảo quản thô chỉ ít lâu sau khi thu hoạch.
*Nguồn: SixthTone, The Economist