Theo SCMP, tuần trước, Al Dhafra - nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới đã chính thức được hoàn thành tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Công trình bao phủ hơn 20 km2 sa mạc cằn cỗi và được trang bị 4 triệu tấm pin quang năng hai mặt, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho gần 200.000 hộ gia đình.
Nhà máy Al Dhafra nằm trên vùng sa mạc cách trung tâm thành phố Abu Dhabi khoảng 40 km, rộng tương đương 2.800 sân bóng đá, có công suất 2 gigawatt (GW). Al Dhafra do công ty năng lượng sạch Masdar, công ty năng lượng quốc gia Abu Dhabi (TAQA), EDF Renewables của Pháp, JinkoPower của Trung Quốc và công ty điện nước Emirates (EWEC) đồng sở hữu.
Nhà thầu đảm nhiệm việc thi công nhà máy là tập đoàn National Machinery Industry của Trung Quốc. Đơn vị này cho biết nhà máy dự kiến sẽ giúp Abu Dhabi giảm 2,4 triệu tấn khí thải chứa carbon mỗi năm - tương đương lượng khí thải từ gần nửa triệu chiếc ô tô trên đường và nâng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng sạch của UAE lên hơn 13%.
Dự án Al Dhafra được đánh giá là thể hiện bước tiến lớn về tính hiệu quả của điện mặt trời và cạnh tranh về chi phí. Cụ thể, Al Dhafra đã phá kỷ lục về chi phí đối với cơ sở điện mặt trời quy mô lớn.
Ban đầu, dự án có giá bán điện ở mức cạnh tranh là 0,0135 USD/kWh (tương đương 326 đồng/kWh) và sau đó giảm xuống còn 0,0132 USD/kWh (khoảng 319 đồng/kWh) khi hoạt động thương mại. Ngoài ra, Al Dhafra cũng đã cung cấp điện cho lưới điện quốc gia.
Che Mingan - quản lý dự án, chia sẻ: “Trung Quốc đã sử dụng công nghệ pin mặt trời tiên tiến nhất cũng như các thiết kế và kỹ thuật xây dựng mới nhất trong quá trình thi công nhà máy. Tất cả đều sử dụng sản phẩm và công nghệ Trung Quốc”.
Trong hơn 1.000 ngày, Che đã làm việc với hơn 5.000 đồng nghiệp từ 19 quốc gia ở sa mạc Abu Dhabi để hoàn thành công trình đúng thời hạn bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những hạn chế sau đó trong chuỗi cung ứng.
Công nghệ pin quang năng hai mặt tinh thể cao cấp nhất tại Al Dhafra cho phép cung cấp điện hiệu quả hơn thông qua hấp thụ bức xạ Mặt Trời từ cả mặt trước và sau tấm pin. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi năng lượng mặt trời dựa trên máy học và các cảm biến tiên tiến cũng giúp tăng sản lượng điện.
Wang - một kỹ sư lưu ý rằng góc của các tấm pin thay đổi liên tục trong ngày, trong đó góc dốc nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh. Khi các tấm pin nằm phẳng và ngửa lên vào khoảng 7 giờ tối mỗi ngày, quá trình vệ sinh bắt đầu. Theo Wang, lớp cát tích tụ trên bề mặt mỗi tấm pin sẽ cản trở sự hấp thụ tia nắng mặt trời và quá trình tạo ra điện. Chính vì thế, làm sạch là một công việc quan trọng.
Do lượng mưa ở Abu Dhabi rất thấp nên nước không được sử dụng để làm sạch các tấm pin. Thay vào đó, đội ngũ kỹ thuật của National Machinery Industry đã chế tạo ra robot vệ sinh tự động được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm nhiệm công việc này.
Trong quá trình thi công, hơn 10.000 container đã được sử dụng để vận chuyển 4 triệu tấm pin mặt trời từ Trung Quốc đến khu vực sa mạc. Wang cho biết đây là một thử thách lớn đối với National Machinery Industry nhưng họ đã vượt qua được để hoàn thiện công trình đúng tiến độ.