Trung Quốc bá chủ toàn ngành năng lượng từ tuabin gió đến pin mặt trời, khiến cả phần còn lại của thế giới kính nể

Huệ Anh | 08:58 05/07/2025

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một gã khổng lồ về năng lượng xanh đang làm thay đổi nền kinh tế và liên minh các nước mới nổi.

Trung Quốc bá chủ toàn ngành năng lượng từ tuabin gió đến pin mặt trời, khiến cả phần còn lại của thế giới kính nể
1.png

Tại Trung Quốc, vào năm ngoái, số tua bin gió và tấm pin mặt trời được lắp đặt nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Sự bùng nổ năng lượng sạch lan rộng ra toàn cầu, khi hàng loạt công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Brazil, Thái Lan, Morocco, Hungary và nhiều nơi khác.

Cùng lúc đó, tại Mỹ, Tổng thống Trump đang thúc ép Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào một dự án vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Châu Á. General Motors vừa hủy bỏ kế hoạch sản xuất động cơ điện tại một nhà máy gần Buffalo, New York, và thay vào đó đầu tư 888 triệu USD vào việc chế tạo động cơ xăng V-8.

Cuộc đua định hình tương lai năng lượng đang diễn ra. Ngay cả khi mối nguy hiểm của sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa hành tinh, hai trong số những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, vẫn theo đuổi các chiến lược năng lượng riêng biệt.

t1(1).png

Chính quyền Trump muốn thế giới tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như dầu và khí đốt, vốn đã cung cấp năng lượng cho ô tô và nhà máy, sưởi ấm nhà cửa và cung cấp nhiên liệu cho các đế chế trong hơn một thế kỷ. Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, mở ra tiềm năng cho cái mà ông Trump gọi là kỷ nguyên thống trị năng lượng của Mỹ.

Cùng lúc đó, Trung Quốc trông cậy vào một thế giới chạy bằng điện giá rẻ từ mặt trời và gió bởi nước này không có nhiều dầu hoặc khí đốt dễ tiếp cận. Họ mong muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và thay vào đó, cung cấp năng lượng cho nền kinh tế bằng năng lượng tái tạo.

Trong khi Trung Quốc vẫn đốt nhiều than hơn phần còn lại của thế giới, sự chuyển hướng sang các giải pháp thay thế sạch hơn đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc không chỉ thống trị ngành sản xuất tấm pin mặt trời, tua bin gió, pin, xe điện và nhiều ngành công nghiệp năng lượng sạch khác trên toàn cầu, mà còn mở rộng vị thế dẫn đầu về công nghệ qua từng tháng chứ chưa nói đến từng năm. 

photo_2025-07-05_09-58-33.jpg

Theo The NY Times, Trung Quốc có gần 700.000 bằng sáng chế về năng lượng sạch, chiếm hơn một nửa tổng số bằng sáng chế của thế giới. Sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một gã khổng lồ về năng lượng xanh đang làm thay đổi nền kinh tế và liên minh  các nước mới nổi.

Song song với đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu thống trị năng lượng hạt nhân, một lĩnh vực kỹ thuật cao từng do Mỹ dẫn đầu. Nước này không chỉ có 31 lò phản ứng đang được xây dựng, gần bằng số lượng của phần còn lại của thế giới cộng lại, mà còn ghi nhận nhiều những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo.

“Trung Quốc rất lớn”, Praveer Sinha, giám đốc điều hành của Tata Power, một tập đoàn Ấn Độ sản xuất tấm pin mặt trời nói. “Không ai trên thế giới có thể cạnh tranh”. 

Về cơ bản, Mỹ đang theo đuổi một chiến lược năng lượng mạnh mẽ, cả trong và ngoài nước với các đồng minh dựa trên ý tưởng rằng thế giới hiện đại đã được thiết kế xung quanh các loại nhiên liệu này và Mỹ thì có rất nhiều. Việc xuất khẩu chúng theo đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi năng lượng mặt trời sạch hơn và thường rẻ hơn.

a2(1).png

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong hơn 200 năm đã góp phần tạo nên thế giới hiện đại, đồng thời giúp Mỹ đạt đến sự thịnh vượng to lớn. Tuy nhiên, carbon dioxide được bơm vào khí quyển do đốt dầu, khí đốt và than như một tấm chăn giữ nhiệt, dẫn đến khủng hoảng nóng lên toàn cầu.

Năng lượng mặt trời, pin và xe điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã giúp nhiều nền kinh tế lớn như Brazil, Nam Phi và thậm chí là Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh trong khu vực của Bắc Kinh, chuyển sang công nghệ sạch hơn. Kịch bản đó rất quan trọng để giảm lượng khí thải toàn cầu.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã bác bỏ những lo ngại đó. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Chris Wright, cựu giám đốc điều hành khí đốt tự nhiên, đã mô tả biến đổi khí hậu chỉ là tác động phụ của việc xây dựng thế giới hiện đại.

Ben Dietderich, phát ngôn viên của Bộ Năng lượng, cho biết: “Mỹ may mắn có nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và chính quyền Trump cam kết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của người dân”. 

a3(1).png

Trái lại, Trung Quốc cung cấp hàng trăm tỷ USD tiền trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đồng thời thiết lập được vị thế gần như độc quyền toàn cầu đối với nhiều nguyên liệu thô quan trọng, chẳng hạn như coban cho pin. Các công ty năng lượng sạch đều được hưởng mức hỗ trợ bền vững.

Jian Pan, đồng chủ tịch của CATL, nhà sản xuất pin cho xe điện và lưới điện lớn nhất thế giới, cho biết: “Thật khó để Trung Quốc cam kết thực hiện một mục tiêu dài hạn nhưng chúng tôi cam kết, chúng tôi thực sự muốn thực hiện. Mọi khía cạnh của xã hội đều nỗ lực hướng tới cùng một mục tiêu”. 

t2(1).png

Kết quả, những nỗ lực của Trung Quốc đã được đền đáp.

Chỉ hơn một thập kỷ trước, CATL chỉ là một startup được thành lập để mua lại bộ phận pin xe điện mới ra đời. Ngày nay, công ty này vận hành một mạng lưới toàn cầu gồm các mỏ, nhà máy xử lý hóa chất và nhà máy. Founder CATL là một trong những người giàu nhất thế giới.

Trong cùng khoảng thời gian ngắn đó, Trung Quốc thống trị cả các ngành công nghiệp năng lượng sạch. Để so sánh, vào năm 2008, Mỹ sản xuất gần một nửa polysilicon của thế giới, còn hiện tại, Trung Quốc chi phối tới 90%. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc hiện cũng được coi là ngành đổi mới nhất trên thế giới, vượt qua Nhật Bản, Đức và Mỹ.

Để cắt giảm chi phí sản xuất, Trung Quốc đã tự động hóa các nhà máy của mình, lắp đặt nhiều robot hơn mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2023 so với phần còn lại của thế giới cộng lại và gấp 7 lần so với Mỹ. Eric Luo, phó chủ tịch của LONGi Green Energy Technology, một nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc, cho biết một hoạt động được gọi là “sản xuất theo cụm” đã được áp dụng. 

q1(1).png

“Ngoài Trung Quốc, không nơi nào có thể tập hợp tất cả những cải tiến đó lại với nhau”, Eric Luo, phó chủ tịch của LONGi Green Energy Technology, nói. 

Theo Robin Zeng, người sáng lập CATL, chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Mỹ cao gấp 6 lần so với ở Trung Quốc.

Ngoài thống trị sản xuất và công nghệ, Trung Quốc còn thực hiện nhiều chiến dịch xây dựng năng lượng sạch hoành tráng. Chẳng hạn, tại vùng hoang mạc khô cằn Gobi – nơi từng chỉ có gió lộng, cát bay và nền đất nứt nẻ – Trung Quốc đang biến nắng gió thành dòng điện không ngủ nhờ tháp năng lượng muối nóng chảy Hami.

“Có 14.500 tấm kính phản xạ ánh sáng lên tòa tháp trung tâm, làm muối nóng chảy để tạo ra và lưu trữ năng lượng. Sau khi mặt trời lặn, năng lượng được lưu trữ sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng cho nhà máy, đảm bảo hoạt động 24 giờ. Đây là lợi thế chính của năng lượng nhiệt mặt trời”, Liu Zenghui, phó tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật Năng lượng Mới, nói với tờ Global Times.

So với năng lượng quang điện (PV), năng lượng nhiệt mặt trời ít được biết đến. PV chuyển đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện, trong khi nhiệt mặt trời chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành nhiệt, sau đó mới thành điện. Nhà máy cung cấp nguồn điện liên tục và ổn định, hiệu quả - một xu hướng tương lai quan trọng trong mục tiêu theo đuổi năng lượng sạch của Trung Quốc.

“Các tấm kính cố định hình ngũ giác giúp tiết kiệm vật liệu sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất và theo dõi mặt trời”, Qiu Tao, trợ lý kỹ sư trưởng, phó tổng giám đốc Trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ tại Viện thiết kế điện lực Tây Bắc, với tờ Global Times.

Khác với pin mặt trời truyền thống, hệ thống gồm hàng chục nghìn tấm gương này luôn xoay theo ánh nắng, tập trung nhiệt lên đỉnh tháp. Tại đó, ánh nắng được chuyển hóa thành nhiệt độ hơn 560°C, đun nóng hỗn hợp muối nitrat đặc biệt. Muối nóng này sau đó được dẫn vào các bể cách nhiệt dưới mặt đất và có thể giữ nhiệt đến 15 tiếng, đủ để quay tuabin phát điện xuyên đêm mà không cần thêm nhiên liệu.

q2.png

“Mỹ đã ngủ quên”, Michael Carr, cựu nhân viên của Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên nói. 

Theo nhóm nghiên cứu Climate Energy Finance, kể từ năm 2023, các công ty Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư nước ngoài trị giá 168 tỷ USD vào sản xuất năng lượng sạch. “Họ đang thống trị những thị trường này”, Tiến sĩ Turner của Trung tâm Woodrow Wilson cho biết. “Và sự thống trị thị trường có thể là một hình thức quyền lực mềm”.

Khả năng cạnh tranh về giá đã biến Trung Quốc trở thành chìa khoá trong lộ trình năng lượng xanh của nhiều quốc gia, cả ở Đông Nam Á và xa hơn nữa. Bắc Kinh thậm chí còn tận dụng chuyên môn công nghệ của mình trong cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng sức ảnh hưởng đối với cơ sở hạ tầng điện quan trọng tại các quốc gia như Malaysia, Lào, Thái Lan, Pakistan và Ả Rập Xê-Út.

Sự thống trị này không được Mỹ chấp nhận. Nước này cáo buộc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các nhà sản xuất của mình và tràn ngập thị trường toàn cầu bằng hàng hóa giá rẻ. Một số thuế quan và rào cản thương mại đã được thiết lập đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc, song chính sách này có tiếp tục dưới thời ông Donald Trump hay không, đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lượng mặt trời được coi là nguồn năng lượng tái tạo dễ tiếp cận và triển khai nhanh nhất, thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào năm 2024. Các dự án điện gió ngoài khơi có thể mất 8 năm hoặc lâu hơn để lập kế hoạch và xây dựng, trong khi các nhà máy điện mặt trời có thể được triển khai trong vòng chưa đầy 2 năm.

Theo: The NY Times, Nikkei Asia


(0) Bình luận
Trung Quốc bá chủ toàn ngành năng lượng từ tuabin gió đến pin mặt trời, khiến cả phần còn lại của thế giới kính nể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO