Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào

Huyền Trang | 07:43 18/02/2023

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay năm 2022 bằng 0 hoặc chỉ từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.

Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào

Khi mặt bằng lãi suất cao hơn trước, chi phí lãi vay năm 2022 của nhiều doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã chọn lãi suất tăng là một trong những lý do để lý giải cho việc lợi nhuận kinh doanh năm 2022 bị sa sút.

Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp lại không tốn một đồng nào cho lãi vay trong năm qua.

CTCP Phát hành sách TP.HCM - Fahasa (mã FHS) ghi nhận tổng nguồn vốn tính đến ngày 31/12/2022 là 1.298 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 1.122 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, công ty không sử dụng nợ vay. Do vậy, chi phí lãi vay của công ty bằng 0. Trong năm 2022, Fahasa đạt 3.924 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế 46 tỷ đồng, gấp 64 lần lãi trước thuế năm 2021.

Không có nợ vay nên CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã NTL), CTCP Lương thực thực phẩm Safoco (mã SAF) cũng không tốn đồng nào cho chi phí lãi vay.

Một doanh nghiệp dược phẩm là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC) cũng không tốn 1 đồng nào cho chi phí lãi vay, chi phí tài chính của công ty trong năm lên hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ tỷ giá 4,9 tỷ và chiết khấu thanh toán 5,2 tỷ.

Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp dược phẩm khác là CTCP Traphaco (mã TRA)CTCP Dược phẩm OPC (mã OPC) đều có số nợ vay khá thấp. Trong đó, tổng nợ vay của Traphaco là 40 tỷ và toàn bộ là nợ ngắn hạn, công ty chi lãi vay hơn 1 tỷ đồng còn nợ vay của OPC thời điểm cuối năm 2022 bằng 0 trong khi năm 2021 công ty vẫn vay ngân hàng hơn 71 tỷ đồng, chi phí cho lãi vay của công ty chỉ 925 triệu đồng.

CTCP Container Việt Nam - Viconship (mã VSC) trong năm 2022 đã phát sinh khoản vay 908 tỷ đồng trong khi năm ngoái không vay. Trong đó, 171,8 tỷ vay của công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đoàn Huy, 350 tỷ vay của công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh và 350 tỷ vay của CTCP Đầu tư dịch vụ và phát triển xanh. Chi phí lãi vay của công ty trong năm 2022 hơn 1,1 tỷ đồng.

CTCP Đại lý vận tải SAFI (mã SFI) năm 2022 chi lãi vay 1,6 triệu đồng, năm 2021, công ty cũng chỉ phải chi lãi vay 7,5 triệu đồng. 

CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (mã SAS) thời điểm cuối năm 2021 vẫn còn khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 2,4 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2022, công ty đã không còn có nợ vay. Chi phí tài chính của Sasco trong năm 2022 hơn 91 triệu, giảm 70% so với 302 triệu đồng năm 2021.

CTCP Cao su Đồng Phú (mã DPR) đến cuối năm 2022 chỉ còn 5 tỷ vay ngắn hạn giảm 48,8 tỷ, chi phí lãi vay cũng chỉ còn 947 triệu đồng trong khi năm ngoái chi gần 5 tỷ đồng.

Tổng công ty May Hưng Yên - Hugaco (mã HUG) năm 2022 chi lãi vay 290 triệu, nợ vay tại ngày 31/12/2022 giảm về 0, trong khi cuối năm 2021 vay ngắn hạn hơn 10 tỷ.

Tại ngày 31/12/2022, CTCP Công nghệ - Viễn thông Elcom (mã ELC) đang vay ngắn hạn hơn 20 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là khoản vay thế chấp tại ngân hàng MB với lãi suất 5%/năm, thời hạn 6 tháng. Chi phí lãi vay của công ty năm 2022 là 729 triệu đồng.

CTCP ĐTPTĐT và KCN Sông Đà - Sudico (mã SJS) ghi nhận chi phí lãi vay năm 2022 bằng 0 trong khi năm ngoái phải trả hơn 17 tỷ đồng dù công ty đang có tổng nợ vay 1.608 tỷ đồng, tăng thêm 404 tỷ đồng so với đầu năm.

CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (mã IDV) đang có tổng vay nợ gần 68 tỷ đồng, chi phí lãi vay năm 2022 là 713 triệu đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO