Đây là trường hợp của anh Hàn, trú tại ở Ninh Ba, Trung Quốc. Ba năm trước, vì một vụ ẩu đả trong lúc tụ tập bạn bè, anh Hàn bị kết án tội cố ý gây thương tích và phải vào tù thụ án ba năm.
Trước khi vào tù, anh ta có một khoản nợ từ thẻ tín dụng khoảng 190 nghìn Nhân dân tệ (tương đương khoảng 600 triệu đồng) do vay vốn kinh doanh. Đến khi anh ra tù, số tiền nợ đã tăng lên thành 1,2 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 4,2 tỷ đồng), khiến anh hoang mang và nghi ngờ rằng mình đã bị "gài bẫy" bởi chính sách phí phạt và lãi suất cao của ngân hàng.
Vậy thực hư câu chuyện thế nào?
Trước khi vào tù, anh Hàn là một người làm công ăn lương bình thường. Không hài lòng với mức thu nhập hiện tại, anh quyết định vay tiền từ thẻ tín dụng để mở công ty cùng với một người bạn. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không thuận lợi, họ không kiếm được tiền mà ngược lại còn thua lỗ. Trong khi đó, khoản nợ thẻ tín dụng phải trả cứ ngày một tăng dần do lãi suất cao. Để xoay sở, anh Hàn phải làm nhiều công việc một lúc để có thể trả dần. Sau đó, anh vướng vào vụ ẩu đả, bị tạm giam và kết án tù giam 3 năm.
Khi ra tù, anh nhận được một tin nhắn từ ngân hàng thông báo rằng số tiền nợ đã lên tới 1,2 triệu Nhân dân tệ. Điều này khiến anh rất bất ngờ và hoang mang, vì trước khi vào tù, anh chỉ nợ 190 nghìn mà thôi. Bạn bè của anh cũng rất ngạc nhiên và khuyên anh nên đến ngân hàng để tìm hiểu kỹ hơn về mức biểu phí và lãi suất mà ngân hàng áp dụng cho khoản vay của anh.
Sau khi được nhân viên ngân hàng giải thích, anh Hàn mới biết rằng khoản nợ của anh tăng lên là do các khoản phí phạt và mức lãi suất cao của loại thẻ tín dụng mà anh đã mở. Ngân hàng giải thích rằng từ khi anh Hàn không trả nợ đúng hạn, số tiền này đã bắt đầu được cộng dồn, thêm vào đó là phí trễ hạn, khiến số tiền nợ gốc ban đầu đã lên đến 1,2 triệu NDT. Mặc dù anh Hàn cố gắng giải thích rằng anh không thể trả nợ vì đã vào tù, ngân hàng vẫn khẳng định việc này không liên quan và buộc anh phải trả đủ số tiền theo các quy định hiện hành.
Câu chuyện của anh Hàn thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người cho rằng việc ngân hàng tính lãi suất quá cao và áp dụng các khoản phí phạt là không hợp lý, nhất là với trường hợp của anh Hàn - không thể trả nợ vì lý do bất khả kháng là đi tù. Một số người còn so sánh mức lãi suất này với "lãi suất cắt cổ" của các công ty cho vay nặng lãi.
Khi anh Hàn đến bộ phận chăm sóc khách hàng để khiếu nại và yêu cầu giải quyết, ngân hàng vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, nói rằng khoản nợ của anh đã được tính toán theo đúng quy định của hợp đồng, và yêu cầu anh hoàn trả khoản nợ 1,2 triệu NDT sớm nhất.
Cảm thấy quyết định của ngân hàng là không công bằng, anh dự định sẽ khiếu nại lên tòa án để giải quyết. Anh cho rằng mình đã không thể trả nợ đúng hạn do phải ngồi tù, ngân hàng vẫn áp dụng các quy tắc thông thường với trường hợp đặc biệt như anh là không hợp lý. Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra rằng trong thời gian anh thụ án, nhà nước Trung Quốc đã ban hành các chính sách tính lãi suất mới, nhưng ngân hàng vẫn áp dụng các quy định cũ với khoản nợ của anh.
Câu chuyện của anh Hàn được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, và nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với anh. Họ cho rằng hành vi của ngân hàng là không công bằng, vì không xem xét đến hoàn cảnh đặc biệt của người vay. Nhiều người còn lên án ngân hàng vì đã lợi dụng tình hình của khách hàng để thu lợi.
Cuối cùng, sau nhiều cuộc thương lượng và áp lực từ dư luận, ngân hàng đã đồng ý giảm bớt một phần khoản nợ, chỉ yêu cầu anh Hàn trả lại 400 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng), thay vì 1,2 triệu như trước. Tuy nhiên, đối với anh Hàn , đây vẫn là một khoản tiền rất lớn. Anh quyết định sẽ tiếp tục khiếu nại để yêu cầu giải quyết một cách công bằng hơn.
Câu chuyện của Hàn cũng là một bài học về việc cẩn trọng khi vay mượn tiền, đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Việc sử dụng thẻ tín dụng hay vay tiền để kinh doanh có thể mang lại cơ hội, nhưng cũng đi kèm với rủi ro rất lớn nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng.