Theo Tổng cục Hải quan, kể từ ngày 20/12/2021 đến hết ngày 20/1/2022, triển khai thí điểm thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện và có nhu cầu thực hiện đối với 6 thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
Các thủ tục bao gồm: Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền nhập khẩu miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sang; Đề nghị tái xuất thuốc cổ truyền bị thu hồi; Cho phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hạn dùng còn lại tại thời điểm thông quan ngắn hơn quy định; Cấp phép xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát; Cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế; Cấp giấy chứng nhận y tế (HC) đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
6 thủ tục hành chính nêu trên sẽ được triển khai chính thức trên Cơ chế một cửa quốc gia từ ngày 21/1/2022.
Kể từ ngày ngày 27/12/2021 đến hết ngày 27/1/2022, triển khai thí điểm thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện và có nhu cầu thực hiện đối với 2 thủ tục hành chính của Bộ Y tế gồm: Cấp nhanh số lưu hành đối với trang thiết bị y tế; Tiếp tục cho lưu hành trang thiết bị y tế trong trường hợp chủ sở hữu trang thiết bị y tế không tiếp tục sản xuất hoặc phá sản, giải thể.
2 thủ tục trên sẽ được áp dụng chính thức thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia từ ngày 28/1/2022.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế phải triển khai 56 thủ tục hành chính. Tính đến 30/6/2021, Bộ Y tế đã triển khai 41 thủ tục hành chính, còn 15 thủ tục hành chính chưa triển khai.
Như vậy, đến ngày 28/1/2022 Bộ Y tế sẽ hoàn thành kế hoạch triển khai của Bộ trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Tính đến ngày 15/12/2021 đã có 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 4,7 triệu hồ sơ của hơn 51,5 nghìn doanh nghiệp tham gia.