Tàu cao tốc đặc biệt được người dân Trung Quốc ưa chuộng nhờ tốc độ cao, tiết kiệm thời gian chờ đợi so với máy bay và có mức giá phải chăng.
Tránh những ngày cuối tuần và ngày lễ hội, tôi chọn trải nghiệm tàu cao tốc trong những ngày giữa tuần để có thể cảm nhận toàn bộ "chất lượng" của loại phương tiện này. Thế nhưng, ngày thường cũng không làm giảm độ "hot" của tàu cao tốc. Bạn luôn phải xếp hàng để chờ tới lượt kiểm tra an ninh trước khi lên tàu dù đang là giữa tuần.
Các nhà ga tàu cao tốc tại Trung Quốc có kích thước đáng nể, nếu nhìn qua thì không khác gì nhà ga của một sân bay cỡ nhỏ. Theo quan sát, nhà ga tàu cao tốc Tùng Giang tại Thượng Hải có 56 cổng soát vé. Bên cạnh các cổng là các cửa hàng được bài trí như trong trung tâm thương mại, có nhà hàng, cửa hàng quần áo, tiệm thuốc, thậm chí cả cửa hàng bán đồ chơi golf.
Theo những người có nhiều kinh nghiệm đi tàu cao tốc, nhà ga cỡ lớn tại Trung Quốc có thể có tới 3 tầng và nhiều dịch vụ hơn nữa để phục vụ hành khách trong lúc chờ đợi.
Tôi thường tới ga tàu sớm trước nửa tiếng. Tuy nhiên, nhân viên chỉ soát vé trước khi tàu khởi hành 10-15 phút. Khách Trung Quốc sẽ đi các cửa soát vé tự động. Chỉ cần quét chứng minh nhân dân lên máy, hệ thống sẽ tự nhận diện và đối chiếu với vé đã đặt trước. Là người nước ngoài, tôi sử dụng hộ chiếu và quét trang thông tin lên máy. Sau khi bước qua cổng, tôi sẽ đi thang cuốn xuống nơi đợi tàu.
Các chuyến tàu được xếp dày nhau, chỉ cách khoảng 10 phút một chuyến, rất đúng giờ. Nhìn từ xa, tàu cao tốc như những con thoi liên tục ra vào ga. Tiếng tàu xé gió vang rất xa, nghe gần giống tiếng ồn máy bay, nếu đứng gần có thể gây đau đầu. Vì vậy, nhà ga thường được đặt xa khu dân cư.
Chuyến tàu của tôi đi từ Thiên Tân tới Bắc Kinh tốn khoảng 50 tệ (khoảng 170 nghìn đồng), đi 134km trong vòng 30 phút. Tàu cao tốc có tên Fuxing, hay còn gọi là tàu Phục Hưng. Mặc dù tốc độ cao nhất có thể lên tới 400km/h, nhưng theo quan sát của tôi, tàu thường duy trì ở mức 250-300km/h. Sau khi xuất phát, tàu mất khoảng 1 phút để đạt vận tốc 80km/h. Có những lúc tàu chạy chậm, nhưng không thấp hơn 170km/h.
Có những đoạn địa hình thuận lợi, tàu sẽ chạy nhanh hơn. Khung cảnh ngoài cửa sổ lướt qua “như bay”, từ những dãy hàng chục tòa nhà chung cư cho tới cánh đồng ở phía xa.
Tốc độ của đoàn đầu khiến mọi người đùa nhau rằng: "Tàu chạy nhanh quá, ngồi chưa ấm chỗ đã phải xuống". Và đó cũng không phải "nói quá" khi hành trình 134km chỉ kết thúc trong đúng nửa giờ.
Mặc dù khi đứng ở ngoài, tôi cảm giác tiếng tàu chạy rất ồn nhưng bên trong tàu lại hoàn toàn khác. Tàu không yên tĩnh hoàn toàn nhưng tiếng động cơ chạy êm, không có nhiều rung lắc. Với 18 hàng ghế, mỗi hàng 5 ghế, tàu có 90 hành khách một toa. Tàu Fuxing có hai loại, loại 16 toa và loại 17 toa. Như vậy, nếu chở khách hết công suất, một chuyến tàu có thể đưa được khoảng 1.400 khách di chuyển một cách thuận tiện.
Trong thời gian di chuyển, nhân viên trên tàu sẽ rao bán nước và cơm phần. Tuy nhiên, cơm trên tàu có giá tới 45 tệ/suất (hơn 150 nghìn đồng). Nếu không muốn ăn tại chỗ, khách có thể tới một toa riêng được thiết kế như nhà hàng và thưởng thức đồ ăn thỏa mái hơn.
Trên tàu cao tốc, ngoài cất hành lí lên ngăn phía trên đầu, khách còn có thể để hành lí ở cuối toa tàu hoặc một hộc chứa hành lí chuyên dụng. Khách cũng được yêu cầu không hút thuốc và chạm vào các nút màu đỏ trên tàu, tránh xảy ra sự cố và ảnh hưởng tới việc vận hành tàu. Dưới mỗi chân ghế đều có ổ điện và trên tàu còn có wifi, giúp khách tha hồ giải trí mà không lo hết điện.
Được thiết kế để đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách, rõ ràng tàu cao tốc là một lựa chọn tối ưu cho người dân ở Trung Quốc, bất kể là về chi phí hay độ trải nghiệm. Đó cũng là lý do khiến phương tiện này được yêu thích đặc biệt ở đất nước tỷ dân.