Tuần trước, hai trong số 19 quan chức Fed dự đoán ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần trong năm tới theo dự báo kinh tế mới nhất của Fed. Trong khi hầu hết các quan chức tin rằng sẽ có tổng cộng ba lần cắt giảm vào năm 2024, thì một quan chức Fed lại dự đoán sẽ có năm lần.
Vui mừng trước những dự báo mới này, các nhà đầu tư đã khiến thị trường tăng vọt, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lập nhiều kỷ lục mới.
Nhưng ngay cả khi việc cắt giảm lãi suất sẽ tạo ra hứng khởi cho các nhà đầu tư, thì đó cũng không phải là một cú hích chắc chắn. Các dự đoán của quan chức Fed về lộ trình lãi suất trong tương lai đều không chắc chắn. Đó là bởi vì đánh giá của họ về chính sách tiền tệ sao cho phù hợp trong tương lai phụ thuộc vào cách nền kinh tế hoạt động. Ví dụ, nếu lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự đoán, Fed có thể chọn tạm dừng hoặc tăng lãi suất.
Nhưng nếu phần lớn dự đoán của các quan chức Fed trở thành sự thật và ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới, thì lý do là gì?
Nhìn lại những lần cắt giảm lãi suất gần đây
Lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất là khi đại dịch bắt đầu. Trong một loạt cuộc họp khẩn cấp vào tháng 3/2020, Fed đã thực hiện động thái chưa từng có là cắt giảm lãi suất 1,25 điểm, đưa lãi suất xuống mức gần như bằng 0. Fed giải thích việc cắt giảm là cần thiết để đối phó với những mối nguy mà Covid gây ra cho nền kinh tế.
Trước đại dịch, Fed đã cắt giảm lãi suất vào năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng. Lần cắt giảm đầu tiên trong năm đó diễn ra vào tháng Bảy.
Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả lần cắt giảm lãi suất đầu tiên và những lần tiếp theo trong năm đó là “những điều chỉnh giữa chu kỳ”. Nghĩa là, đây không phải là sự khởi đầu của một đợt cắt giảm lãi suất kéo dài mà là một sự điều chỉnh nhỏ để định hướng lại nền kinh tế. Việc này rất khác so với những gì Fed sẽ làm “khi xảy ra một cuộc suy thoái hay sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng”, ông Powel nói
Tại sao Fed cắt giảm lãi suất?
Hai trường hợp cắt giảm lãi suất gần đây nhất nêu bật hai lý do chính khiến Fed hạ lãi suất.
Justin Weidner, nhà kinh tế học tại Deutsche Bank, cho biết Fed sẽ cắt giảm lãi suất “khi có điều gì đó không ổn xảy ra trong nền kinh tế”. Đó là tiền đề cho những đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu vào năm 2007, 2001 và 1990 – những năm chứng kiến sự bắt đầu của nhiều cuộc suy thoái khác nhau.
Theo nhà kinh tế trưởng Michael Gapen của Bank of America Securities, Fed cũng cắt giảm lãi suất khi các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang mất đà, hoặc sau các sự kiện như vụ 11/9 “có thể làm suy yếu nền kinh tế”.
Cắt giảm lãi suất không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ nguyên nhân tiêu cực
Ông Gapen nói với CNN: Nếu Fed cắt giảm lãi suất vào năm tới, rất có thể đó không phải là do có nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế hoặc điều cần phải làm để ngăn ngừa rủi ro như vậy.
Lần hạ sắp tới có thể khác với những lần trước. Theo quan điểm của ông, Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới vì lạm phát đã tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Gapen nói thêm, nếu trở thành hiện thực, mức lãi suất mục tiêu hiện tại của Fed sẽ quá chặt và gây ra trở ngại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, giống như Powell, Weidner và nhóm các nhà kinh tế tại Deutsche Bank không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới. Nhóm của Weidner dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% vào quý 3 năm sau – so với mức 3,7% hiện tại do GDP thực tế giảm. “Nếu điều đó xảy ra thì đó là một kịch bản tồi tệ,” Weidner nói, nhận định thêm Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất nếu xảy ra suy thoái.
Nguồn: CNN