Tâm lý FOMO tràn ngập thị trường
Sẽ có không ít nhà đầu tư sửng sốt khi nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, đang có 5 mã chứng khoán có thị giá trên mốc 200.000 đồng/cổ phiếu, và đáng nói, 4/5 cổ phiếu trong danh sách này đều là cổ phiếu bất động sản. Cổ phiếu duy nhất không cùng nhóm ngành là VCF - mã này có tỷ lệ Free Float chỉ 1,51%.
Đứng đầu thị trường là L14 - CTCP Licogi 14 với thị giá chốt phiên 10/1/2022 ở mức 377.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên ngày 10/1, cổ phiếu này thậm chí còn tăng kịch trần 9,9% ngay từ đầu phiên và duy trì trong hầu hết thời gian giao dịch đẩy thị giá lên cao nhất ở ngưỡng 408.300 đồng/cổ phiếu.
L14 cũng là mã có mức tăng trong 3 tháng qua lớn nhất trong top 15 khi tăng gần 300%, đặc biệt mã này đã tăng liên tục 6 phiên liên tiếp. Hồi đầu tháng 10/2021, thị giá L14 vẫn đang dưới 90.000 đồng/cổ phiếu thì nay mã này đã trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, thanh khoản của L14 cũng cao hơn so với mặt bằng chung trước đó.
Tỷ lệ Free Float của L14 ở ngưỡng 70% cho thấy tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường là chất xúc tác chính cho mức tăng giai đoạn vừa qua.
Thực tế, kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của L14 không có nhiều nổi bật nếu so với mặt bằng chung với các doanh nghiệp lớn cùng ngành cho thấy mức giá cao nhất thị trường này đã vượt quá xa so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dù thanh khoản cao hơn so với trước đây nhưng cũng chỉ ở mức vài chục, vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Với thanh khoản hiện tại, chỉ cần một lệnh bán lô lớn đã đủ đẩy mã này rớt giá thảm.
Không cần tìm xa xôi, ngay trong phiên 10/1 vừa rồi là một ví dụ. Dù tím lịm trong hầu hết phiên giao dịch nhưng lệnh khớp 17.100 đơn vị trong phiên ATC giá thấp đã khiến các nhà đầu tư mua giá trần trong phiên ngay lập tức lỗ ngay 8% khi chốt phiên giao dịch.
Sự tăng giá đáng kinh ngạc của nhóm cổ phiếu bất động sản trong giai đoạn 3 tháng vừa qua đã đẩy mặt bằng giá của nhóm ngành này lên một mức cao mới, nhiều mã tăng mạnh vượt quá nhiều lần giá trị thực của doanh nghiệp.
Nhiều mã có mức tăng 3 tháng vượt 200% như PVL, STL, VHD, V11, PPI, đáng chú ý dù mức tăng cao nhưng chủ yếu đây là các cổ phiếu thị giá rất thấp bên UPCoM và nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, thanh khoản rất thấp.
Những gì diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản cho thấy thời kỳ tâm lý FOMO (Fear of missing out - Sợ bỏ lỡ) đang chi phối thị trường. Không hiếm nhà đầu tư không có kinh nghiệm, không cần tìm hiểu về doanh nghiệp vẫn sẵn sàng lao vào thị trường vì sợ bỏ lỡ cơ hội “ăn bằng lần”.
Dễ rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, điều này có thể trở thành con dao hai lưỡi bất cứ lúc nào. Nửa cuối phiên 10/1 diễn ra trong trạng thái rối loạn cũng chính là lúc không ít nhà đầu tư phải nhận “trái đắng” này.
Ở FLC, hàng trăm triệu cổ phiếu được bán tháo đẩy thị giá của mã này quay đầu giảm gần chạm sàn, biến loạt nhà đầu tư rơi vào tình cảnh đu đỉnh khi FLC vừa đạt được mức giá cao lịch sử ngay trong phiên trước (ngày 7/1).
Mới đây, cổ phiếu CEO thậm chí còn được một công ty chứng khoán cảnh báo “cực kỳ nguy hiểm” đối với nhà đầu tư khi tăng quá mạnh so với định giá doanh nghiệp. Câu trả lời đến khá nhanh với nhà đầu tư khi CEO bị đạp sàn ngay cuối phiên 10/1, đột ngột mất 9,95% giá trị.
Việc sàn HOSE nghẽn lệnh cuối phiên khiến tâm lý hoảng loạn khi chứng kiến sự bán tháo ở nhóm cổ phiếu bất động sản càng nhanh chóng lan rộng. Hàng loạt cổ phiếu xây dựng, bất động sản khác rơi vào trạng thái tương tự, quay đầu giảm sàn trong những phút cuối của phiên: ROS, VCG, CII, HBC, LDG, NLG, LCG,…
Dù việc sàn “đơ” trong phiên chiều 10/1 rõ ràng ảnh hưởng lớn quyết định mua bán của nhà đầu tư, nhưng sâu xa vẫn là việc tâm lý FOMO đã quá lan rộng trên thị trường chứng khoán hiện tại.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 12.2021 tiếp tục đạt kỷ lục với 226.580 tài khoản. Cả năm 2021, cá nhân mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020 và cao hơn cả 5 năm trước cộng lại.
Không thể phủ nhận lượng tiền mới từ các nhà đầu tư F0 đã trở thành động lực đẩy chỉ số tăng cao lịch sử. Song đi cùng với đó, điều này cũng đi cùng xu hướng đầu cơ tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn hơn là đầu tư.
Việc dòng tiền đầu tư chạy theo tâm lý FOMO đã đẩy thị trường vào trạng thái dễ bị ảnh hưởng lớn bởi sự cố hoặc thông tin không tích cực.
Các chuyên gia đầu tư, các nhà đầu tư lão luyện đã đưa ra rất nhiều lời cảnh báo cho cái bẫy FOMO trên thị trường chứng khoán.
Nhưng không có thành công nào mà không phải trả giá, không có bài học nào giá trị hơn những “trái đắng” thực tế trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cần thiết để có thể đồng hành lâu dài, bền vững với thị trường chứng khoán.