Nga vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU vào tháng 5, theo dữ liệu của Eurostat.
Cụ thể, EU nhập khẩu 1,1 tỉ euro khí đốt Nga trong tháng 5. Trong đó, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt 703 triệu euro – mức cao nhất kể từ tháng 3, còn khí đốt qua đường ống đạt 408 triệu euro.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu khí đốt Nga từ EU tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,5 tỉ euro.
Tháng 5, Mỹ là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU với 27,2% thị phần (1,9 tỉ euro), chủ yếu thông qua xuất khẩu LNG. Algeria xếp thứ hai với tỉ trọng 16,3%, tương đương 1,1 tỉ euro. Nga đứng thứ ba với 16,1%, tăng so với mức 11,3% trong tháng 4 và vượt qua Na Uy (12,2%) và Anh (5,35%).
Trong số các nước thành viên EU, Pháp dẫn đầu về nhập khẩu LNG Nga trong tháng 5 (245 triệu euro), tiếp theo là Tây Ban Nha (168 triệu euro) và Bỉ (147 triệu euro). Hà Lan cũng tăng mua LNG Nga lên tới 109 triệu euro.
Về khí đốt qua đường ống, Hungary là khách hàng lớn nhất của Nga với giá trị nhập khẩu đạt 239 triệu euro trong tháng 5, và 1,3 tỉ euro trong 5 tháng đầu năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hy Lạp đứng thứ hai với 678 triệu euro, tiếp theo là Slovakia với 310 triệu euro. Đáng chú ý, sau khi Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga từ đầu năm nay, Slovakia đã phải chuyển sang nhập khẩu khí từ Nga qua Hungary.
Dù Ủy ban châu Âu đã công bố lộ trình cắt giảm hoàn toàn khí đốt Nga từ 2027, trong đó cấm các hợp đồng mới từ 2026, các số liệu trên cho thấy khối vẫn đang phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga.
Hiện nay, tuyến đường ống dẫn khí TurkStream qua Biển Đen là đường ống duy nhất còn hoạt động để Nga đưa khí đốt vào EU. Trong khi giới chức EU liên tục khẳng định sẽ chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga, thực tế cho thấy sự chuyển đổi này diễn ra chậm chạp, đặc biệt khi giá LNG từ các thị trường khác vẫn còn cao và cơ sở hạ tầng nhập khẩu chưa hoàn thiện.
Theo Tass