Đáng chú ý, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) bước đầu có lãi sau 2 năm gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Viglacera, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam (VMSC), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cơ bản có lãi và hoàn thành kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá, hiện 13 doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng có tổng vốn điều lệ khoảng 30.800 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm khoảng 27.834 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 30.065 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2.358 tỷ đồng - vượt xa kế hoạch đề ra 537 tỷ đồng.
"Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò quản lý của đại diện vốn Nhà nước", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, nhất là khi Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/8. Luật mới là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đưa ra chỉ đạo rõ ràng đối với một số doanh nghiệp. Ví dụ đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD): Sớm hoàn thành thủ tục thoái vốn tại một số đơn vị thành viên, khẩn trương tham mưu Bộ điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, đồng thời nhanh chóng triển khai kinh doanh các dự án đủ điều kiện nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận.
Đối với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) cần xây dựng phương án tái cơ cấu giai đoạn 2026–2030, lồng ghép vào chiến lược phát triển doanh nghiệp. LILAMA cần chủ động phối hợp với các Cục, Vụ, Ban Quản lý dự án để tìm kiếm công việc mới, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Vụ Quản lý doanh nghiệp để hoàn tất công tác quyết toán vốn Nhà nước.
Tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cần tích cực thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp; báo cáo sớm để Bộ kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HANCORP): Xây dựng đề án chiến lược phát triển dài hạn, trong đó bao gồm phương án tái cơ cấu và kế hoạch phát triển 5 năm. Bộ Xây dựng tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại Tổng công ty Viglacera - CTCP (VIGLACERA) cần phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu Bộ tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định giá hai khoản đầu tư tại Cuba, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng phương án hợp nhất Nhà xuất bản Giao thông và Nhà xuất bản Xây dựng. Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đề nghị các doanh nghiệp thuộc Bộ cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau; tích cực tham gia liên danh nhà thầu và phối hợp với các Cục, Vụ, Ban Quản lý dự án để mở rộng cơ hội công việc.
"Trong 6 tháng cuối năm 2025, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, chủ động mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp sẽ hoàn thành và vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025", Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nói.