Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu hàng không, du lịch hút tiền, một mã BĐS tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp

Hạ Anh | 19:04 11/03/2023

Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng từ 11-21%.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu hàng không, du lịch hút tiền, một mã BĐS tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp

Sau thời gian ảm đạm, VN-Index ghi nhận sự phục hồi tích cực trong tuần vừa qua. Lực cầu tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn  giúp VN-Index có 4 phiên tăng điểm tích cực. Dù áp lực điều chỉnh nhẹ xuất hiện trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần xu hướng thị trường vẫn khá tích cực.

Kết thúc tuần giao dịch 6/3-10/3, VN-Index tăng 29 điểm, tương đương tăng 2,8% so với tuần trước để tiến lên 1.053 điểm. Thanh khoản thị trường tuần qua hồi phục với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 13,4% lên mức 9.912 tỷ đồng/phiên.

Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng từ 11-21%.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất là HOT của Công ty Cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An. Với cả 4 phiên tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần, HOT đã tăng đến 21% sau 1 tuần. Dù vậy, áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần khiến mã này quay đầu giảm sàn xuống 27.650 đồng. Tính chung 1 tháng trở lại đây, mã này đã bứt phá gần 80% giá trị.

Cổ phiếu này phản ứng khá nhanh nhạy trước thông tin Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch Việt Nam từ ngày 15/3 mới công bố gần đây. Theo đó, các doanh nghiệp hàng không, du lịch được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận sau 2 năm chống dịch Covid-19, nhờ sản lượng khách quốc tế kỳ vọng tăng mạnh trong năm nay. 

Dù vậy, HOT đang trong diện kiểm soát từ 28/3/2022 do thua lỗ. Doanh nghiệp này cũng đang nằm trong “tầm ngắm” phải rời sàn khi đã có 3 năm thua lỗ liên tiếp.

Cũng hưởng ứng thông tin Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng tranh thủ bứt tốc với mức tăng 16% sau 1 tuần.

Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc mở tour du lịch đến Việt Nam sẽ giúp cải thiện mạnh doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên, cần lưu ý tình hình tài chính của các doanh nghiệp này do sau 2 năm chống dịch Covid, các doanh nghiệp vận tải hàng không đều phải tiến hành tái cấu trúc tài chính cũng như thu hẹp quy mô đội bay, và việc phục hồi không phải trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng có sự khởi sắc như PDR (+12%), DXG (+11%) sau 1 tuần giao dịch. Đà tăng được hỗ trợ sau thông tin Chính Phủ ban hành những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 8%. Tâm điểm bán tháo vẫn tập trung tại nhiều mã riêng lẻ như TDH (-12%), FDC (-9%), HCD (-9%), AMD (-8%),... 

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng trên 14%, song hầu hết là những mã ít giao dịch, tên tuổi không quá nổi bật.

Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều mã cũng ghi nhận mức giảm từ 11% - 19% trên HNX.

Trên UPCOM , biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 36%-72% trong tuần qua.

Nổi bật nhất là VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex. Với 4 phiên tăng kịch trần trong tuần, thị giá VDH đã được kéo lên mức 13.900 đồng, tương đương tăng 72% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Nếu tính từ đầu tháng 3, mã này đã tăng xấp xỉ 97% giá trị. Tuy nhiên, thanh khoản của mã này khá èo uột chỉ vài trăm cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.

Cổ phiếu CFV của Công ty Cà phê Thắng Lợi cũng ghi nhận mức tăng 64% sau 1 tuần giao dịch. Cổ phiếu này đã có 14 phiên tăng kịch trần liên tiếp từ 8.600 đồng lên 67.600 đồng, tương đương mức tăng gấp 8 lần chỉ sau 2 tuần. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng thần tốc, CFV đã quay đầu giảm hết biên độ xuống 57.500 đồng trong phiên 10/3.

Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm khá sâu từ 19% - 46%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu hàng không, du lịch hút tiền, một mã BĐS tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO