Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 5, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,1% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% và tăng 8,1%; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% và tăng 12,7%; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% và giảm 8,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu Quốc hội nói gì về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay?
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã chia sẻ sự khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn Cà Mau) cho rằng, hiện nay doanh nghiệp trong nước đối mặt vô vàn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm nhiều, số lượng công nhân thất nghiệp tăng lên.
Giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị là cần có giải pháp kích thích, giải phóng năng lực doanh nghiệp trong nước, đó là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, các công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cũng kiến nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Nhưng đồng thời, những vụ án nào trong lĩnh vực kinh tế phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Nói thêm về khó khăn của doanh nghiệp, VTV News dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mở, dễ dàng chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.
Hiện tại, chính sách tiền tệ các nước đang thắt chặt để chống lạm phát. Cộng hưởng thêm là ảnh hưởng từ xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, dịch bệnh, thiên tai… làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông nhấn mạnh, thách thức các quý tới là rất khó khăn bởi để đạt được mục tiêu chung 6,5% cả năm 2023 thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông nhận định doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.
Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.
Ông cho biết, hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính kiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
"Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế. Đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế", ông nói.
(Tổng hợp)