Hậu Giang là tỉnh ở phía trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn gọi là miền Tây - với vị trí quan trọng là vùng hậu cần của TP HCM, sát vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương này vẫn chiếm gần 15% dân số trong tỉnh, lực lượng lao động làm việc trong nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ cao (trên 75%).
Sau buổi làm việc tại Hậu Giang hồi cuối tháng 10/2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng, rằng Hậu Giang đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn, gồm xuất phát điểm thấp, hạn hán, xâm nhập mặn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp (21,5%); số lượng doanh nghiệp/người dân chỉ bằng 1/3 so với bình quân chung cả nước, quy mô doanh nghiệp khiêm tốn; còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã...
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh vẫn chưa có km cao tốc nào đi qua, gây khó khăn trong việc kết nối liên vùng.
Sau 19 năm thành lập tỉnh với xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Hậu Giang bất ngờ vươn lên vị trí “ngôi sao mới” trong bức tranh kinh tế khi tăng trưởng cao hơn khu vực và bình quân cả nước, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một tỉnh trẻ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước (cả nước tăng trưởng 2,56%). Năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ 4 cả nước, cao hơn 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%). 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 13,3%, dẫn đầu cả nước. Nếu so với mức 2,94% hồi năm 2016, con số này đã tăng 4,5 lần.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,83%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,69%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,34%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 7,12%; tổng doanh thu vận tải và dịch vụ kho bãi tăng 11,61%.
Thu ngân sách năm 2022 đạt trên 6.000 tỷ đồng, đạt 126,67% dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 31% dự toán Trung ương giao, bằng 1,7 lần số thu ngân sách năm 2020.
Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 4,84% và Hậu Giang phấn đấu đến cuối năm nay giảm thêm 1% nữa tức còn 3,84%, giảm hơn 11% số hộ nghèo so với năm 2017.
Theo báo cáo PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2022, Hậu Giang đạt 68,12 điểm, tăng hơn 4,92 điểm so với bảng xếp hạng năm 2021, tăng 26 bậc, lần đầu tiên vươn lên xếp thứ 12 cả nước. Có đến 7/10 chỉ số thành phần đạt từ 7 điểm trở lên, trong đó có những chỉ số rất ấn tượng như chi phí thời gian đạt 7,63 điểm, thiết chế, pháp lý đạt 7,55 điểm, tính năng động đạt 7,26 điểm, gia nhập thị trường đạt 7,25 điểm.
Về cơ sở hạ tầng, tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1, huyện Châu Thành A) với diện tích khoảng 492ha và tỷ lệ lấp đầy dự án đạt trên 93,32%. Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,103 tỷ USD.
Riêng 9 tháng đầu năm, Hậu Giang thu hút được 11.141,52 tỷ đồng bao gồm: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Kết quả đạt được bằng 93,42% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72,77% so với kế hoạch năm.
Mục tiêu dài hạn, Hậu Giang sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - logistic hàng đầu khu vực ĐBSCL, và có trình độ phát triển khá so với cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, định hướng đến năm 2030, Hậu Giang sẽ lập mới thêm 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.741 ha, nâng tổng diện tích khu công nghiệp khoảng 2.233 ha tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp; kêu gọi đầu tư hạ tầng mới 5 cụm công nghiệp, với diện tích 251ha. Việc quy hoạch quỹ đất để phát triển tại Hậu Giang sẽ gấp khoảng 8 lần quy mô công nghiệp hiện nay.
Với đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Hậu Giang đang trở thành tọa độ vàng của làn sóng dịch chuyển cư dân. Cùng với sự tăng trưởng về lao động, tỉnh dự kiến đến năm 2025 hình thành 3-4 khu vực tổ hợp vui chơi giải trí ban đêm và đến năm 2030 sẽ là 6- 7 khu vực vui chơi giải trí đêm.
Những năm gần đây, hệ thống giao thông tỉnh Hậu Giang đã được đầu tư, nâng cấp phát triển nhanh chóng. Tỉnh đã có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 158 km, đáp ứng yêu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương trong khu vực.
Đáng chú ý, trong tương lai địa phương này có tới 3 trong 8 tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL đi qua với khoảng 100 km đường cao tốc.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2021 – 2025 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công trong năm 2023.
Nói về tiềm năng của tỉnh, trả lời báo chí trong chuyến công tác tại Hậu Giang, ông Nguyễn Bá Hải Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nhận định: “Hậu Giang đang có sự chuyển mình rất mạnh mẽ trong thời gian sắp tới, chuyển đổi từ kinh tế dựa trên nông nghiệp sang nền tảng công nghiệp. Hậu Giang cũng có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm kết nối logistics của toàn vùng Tây Nam Bộ.”