Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam chia sẻ với MarketTimes.
MarketTimes: Năm 2021 thực sự là một năm khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên những chính sách của Chính phủ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 đã giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về những quyết sách trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế mà Chính phủ Việt Nam triển khai cuối năm 2021?
Ông Ngô Đăng Khoa: Hai năm vừa qua là hai năm đầy thử thách đối với Việt Nam nhưng cuối cùng dường như tình huống xấu nhất đã ở sau lưng chúng ta. GDP quý 4 của Việt Nam phục hồi ngoạn mục ngoài mức mong đợi của thị trường, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm.
Để có được những kết quả tích cực này, điều đầu tiên phải để tới là những quyết sách của Chính phủ, từ những ngày đầu siết chặt biên giới, cho tới các chiến dịch tiêm vaccine với độ phủ rộng cao và không thể không nhắc tới những gói hỗ trợ kinh tế xã hội.
Trong thời gian vừa qua chúng ta đã thấy những quyết sách hỗ trợ như Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của phòng chống dịch. Chính phủ cũng ra những nghị quyết để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát Covid một cách hiệu quả.
Với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, các chương trình tiêm chủng gần đây đã đưa 70% dân số Việt Nam được tiêm hai mũi, giúp tránh phải áp dụng biện pháp giãn cách diện rộng như trước đây. Các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực hoàn thành chương trình tiêm mũi bổ sung, rút ngắn thời gian cho phép tiêm. Tất cả nhằm góp phần vào việc mở cửa và phục hồi nền kinh tế.
Gần đây nhất, Nghị quyết 01/2022 với loạt giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2022 dã được Chính phủ ban hành. Đây là những giải pháp trọng tâm để đưa Việt Nam đạt GDP 6-6,5% trong năm 2022.
MarketTimes: Chính phủ Việt Nam đang đề xuất một Chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm (2022 - 2023) trị giá gần 340.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện điều này. Ông nhận định như thế nào về gói phục hồi kinh tế này?
Ông Ngô Đăng Khoa: Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ có thể nói khá toàn diện khi bao gồm các hạng mục chính như đầu tư cho lĩnh vực y tế và y tế dự phòng để bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân và ứng phó với dịch bệnh.
Hỗ trợ an sinh xã hội để giúp người dân nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, vượt qua khủng hoảng hai năm qua đồng thời hỗ trợ nhu cầu, chi tiêu và tiêu dùng của người lao động, thông qua đó hỗ trợ sức mua của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ với doanh nghiệp nhất là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, giúp doanh nghiệp, thông qua đó là nền kinh tế, phục hồi; tăng đầu tư công và hạ tầng cơ sở, đồng thời gia tăng sự tham gia của khối tư nhân, điều này rất quan trọng cho giai đoạn phục hồi tiếp tục thu hút và đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài và xây dựng thế mạnh kinh tế nội địa của Việt Nam.
Điểm cuối của Chương trình là xây dựng thể chế và cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư và dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
MarketTimes: Theo quan sát của ông, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có tin tưởng vào gói phục hồi kinh tế của Việt Nam để tiếp tục gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài lâu?
Ông Ngô Đăng Khoa: Là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động tại Việt Nam hơn 150 năm, HSBC đã sát cánh cùng người dân và đất nước Việt Nam qua các thăng trầm của nền kinh tế và biến đông xã hội. Chúng tôi luôn cam kết với sứ mệnh là cầu nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường Việt Nam. Khi làm việc với các nhà đầu tư này, một trong những tư vấn của chúng tôi là về cam kết lâu dài và đầu tư dài hạn tại đây. Nếu cam kết lâu dài và bền vững, thị trường sẽ đưa lại kết quả tích cực cho bạn.
Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại Việt Nam, chúng tôi tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tin rằng Chương trình phục hồi kinh tế này nếu được triển khai toàn diện, kịp thời, kết hợp với sự giám sát theo dõi quá trình triển khai một cách chặt chẽ, sẽ đem lại kết quả phục hồi tích cực cho nền kinh tế.
Như trên đã nói, trong Chương trình có những yếu tố đảm bảo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư hiện tại và thu hút các nhà đầu tư tương lai.
MarketTimes: Ngoài việc chi tiền phục hồi kinh tế, theo kinh nghiệm của ông thì Việt Nam cần làm gì để vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế trong những năm tới?
Ông Ngô Đăng Khoa: Theo tôi một số giải pháp và chính sách cần được đẩy mạnh trong đó Chính phủ đóng vai trò rất lớn như thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới dựa trên sáng tạo và kinh tế số.
Chúng ta đã thấy sự đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng nghiêm trọng của nó trong năm 2021 do đó phục hồi thị trường lao động cũng cần là ưu tiên trong năm 2022 để đáp ứng nguồn nhân lực cho các ngành trọng điểm như sản xuất có thể phục hồi.
Việc gia tăng kết nối vùng cũng nên là một ưu tiên khi nó sẽ tạo ra sự thông suốt hỗ trợ cho thương mại, giảm chi phí hậu cần cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
MarketTimes: Ông chia sẻ những kinh nghiệm từ các Chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài trong việc vượt qua đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh?
Ông Ngô Đăng Khoa: Việt Nam không ở trong vị thế có lực mạnh để tiến hành các gói hỗ trợ lớn như ở các nước khác. Chương trình hỗ trợ của chúng ta (theo tỷ trọng trên GDP) có thể nói thấp hơn các con số 10% hay 20% ở một số nước, nhất là chúng ta phải cẩn trọng xem xét tình hình tài khóa hiện nay.
Việc phân bổ gói hỗ trợ một cách hiệu quả cũng nên được coi trọng để tránh dàn trải, thay vào đó tập trung vào các khu vực có tác động lớn tới nền kinh tế.
Bài học từ các nền kinh tế lớn như Mỹ có thể áp dụng tại Việt Nam như hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo, thông qua đó gia tăng năng suất lao động, từ đó tăng tiền lương và mức sống.
Chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ các rào cản cạnh tranh trong dịch vụ, cắt giảm tệ nạn quan liêu trong thành lập các doanh nghiệp mới, cho phép phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính khi các ngành công nghệ mới nổi lên. Chính phủ cũng xem xét lại năng suất trong các lĩnh vực công như chăm sóc sức khỏe.
Chính phủ Mỹ cũng tập trung cho các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết và nguồn vốn xã hội, giám sát chặt chẽ chi tiêu cho các lĩnh vực này để có thể tối ưu hóa các dự án được lựa chọn, vốn là những dự án có tác động lớn tới phục hồi kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.
Một trong những ưu tiên của họ là hạ tầng số và mở rộng khả năng tiếp cận số khi mà Covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số trong kinh doanh.
Ưu tiên tiếp theo là hạ tầng xã hội mà những điểm còn yếu kém đã thể hiện trong đại dịch. Sức khỏe của người dân không chỉ là chi phí mà còn là đầu tư.
MarketTimes: Xin Cảm ơn Ông!