Chiết Giang thịnh vương từ xa xưa
Chiết Giang là tỉnh duyên hải đông nam Trung Quốc, ở phía nam của đồng bằng châu thổ Trường Giang, phía bắc liền kề với Thượng Hải và tỉnh Giang Tô. Xét về diện tích, Chiết Giang là một trong những tỉnh có diện tích nhỏ nhất Trung Quốc.
Theo ghi chép, Chiết Giang nằm ở vị trí địa lý độc đáo có núi và biển liền kề, tuy nhiên do đất chật người đông, nếu chỉ kiếm sống bằng nghề trồng trọt là không đủ. Vì thế, các hoạt động công nghiệp và thương mại bắt đầu phát triển.
Sau thời nhà Đường và nhà Tống, trung tâm kinh tế và văn hóa của Trung Quốc di chuyển về phía nam, các hoạt động thương mại của Chiết Giang ngày một phát triển. Chiết Giang trở thành "vùng đất của cá và lúa" và "quê hương của tơ lụa", một vùng đất vô cùng sung túc và đông dân.
Sau khi cải cách và mở cửa, ngày càng nhiều gia đình ở Chiết Giang tham gia sản xuất, làm thợ may, làm giày da, bán quần áo và thành lập nhà máy. Chính quyền địa phương đã đi đầu trong việc cấp giấy phép kinh doanh tư nhân ở Trung Quốc. Đến giữa thập niên 1990, các nhóm thương nhân Chiết Giang "nở rộ khắp nơi" ở Trung Quốc.
Kinh tế Chiết Giang thuộc nhóm đầu cả nước
Năm 1978, tổng GDP toàn tỉnh đứng thứ 12 cả nước và vươn lên top 4 vào năm 1994. Năm 2004, tổng GDP của tỉnh đã vượt 1.000 tỷ NDT, đến năm 2008 vượt mốc 2.000 tỷ NDT và năm 2011 vượt ngưỡng 3.000 tỷ NDT.
Năm 2018, Chiết Giang là tỉnh đứng thứ 4 về kinh tế Trung Quốc với 57,3 triệu dân, với tổng GDP là 5.620 tỷ NDT (849 tỷ USD). GDP bình quân đầu người đạt 14.907 USD, xếp thứ 5 tại Trung Quốc. Tính đến năm 2022, GDP của tỉnh Chiết Giang là 7.780 tỷ NDT, tương đương 1.150 tỷ USD, cao hơn Hà Lan (1.037 USD) và Thụy Sĩ (629 tỷ USD).
Chiết Giang là tỉnh phát triển kinh tế cân bằng nhất. Khu vực này có 149 người sở hữu trên 1 tỷ USD, vượt xa số lượng 87 tỷ phú của Giang Tô, 36 tỷ phú của Sơn Đông và chỉ xếp sau tỉnh Quảng Đông với 233 tỷ phú đô la.
Vào năm 2022, Viện nghiên cứu Hurun đã công bố "Báo cáo Hurun 2022". Người sáng lập Nongfu Spring, doanh nhân Chiết Giang Chung Thiểm Thiểm, sở hữu khối tài sản tăng 65 tỷ NDT so với năm ngoái, một lần nữa trở thành người giàu nhất Trung Quốc với 455 tỷ NDT. Đây cũng là kỷ lục về tài sản của người giàu nhất Trung Quốc trong hơn 20 năm.
Các thương nhân Chiết Giang luôn là những cái tên thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Hoogewerf, chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu của Hurun Report, cho biết hầu hết các doanh nhân trong danh sách luôn là doanh nhân Chiết Giang, trước là Jack Ma và giờ là Chung Thiểm Thiểm, ông trùm nước đóng chai.
Tại sao luôn là người Chiết Giang?
Trong nhóm 10 người đứng đầu thuộc Danh sách 100 người giàu Trung Quốc năm 2022, thương nhân Chiết Giang chiếm 40%. Ngoài người giàu nhất là Chung Thiểm Thiểm, người sáng lập công ty game Netease Đinh Lỗi cũng đã trở lại top 10 với vị trí thứ 6. Người sáng lập Alibaba Jack Ma xếp thứ 9 và người sáng lập Pinduoduo – tỷ phú Hoàng Tranh (Colin Huang) - xếp thứ 10.
Kể từ khi Báo cáo Hurun ra đời vào năm 1999 với tổng cộng 24 danh sách được công bố, thương nhân Chiết Giang đã 9 lần giành được vị trí người giàu nhất. Internet và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực chính của các thương nhân giàu nhất Chiết Giang.
Là nơi đầu tiên tuyên bố trở thành "Thủ đô thương mại điện tử của Trung Quốc", thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang trợ cấp và giảm thuế cho các công ty thương mại điện tử, đồng thời khuyến khích sinh viên đại học kinh doanh trực tuyến. Ngày nay, một cụm công nghiệp về lĩnh vực internet do những người khổng lồ như Alibaba, Ant Financial và NetEase dẫn đầu đã được hình thành.
Đằng sau sự xuất hiện thường xuyên của giới siêu giàu là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân Chiết Giang trong những năm qua. Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông, trong 10 năm kể từ năm 2012 đến năm 2021, kinh tế tư nhân của Chiết Giang đã mở rộng về quy mô và tỷ trọng ngày càng tăng. Giá trị gia tăng của kinh tế tư nhân tăng từ 2,2 nghìn tỷ NDT lên 4,9 nghìn tỷ NDT.
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Chiết Giang có 2.904 triệu doanh nghiệp tư nhân và 5.492 triệu hộ kinh doanh, tăng lần lượt 2,76 lần và 1,23 lần so với năm 2012. Theo tính toán về dân số năm 2021, cứ 7,8 người ở Chiết Giang thì có một người là "sếp”.
Vào tháng 9/2022, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc. 107 công ty từ Chiết Giang đã lọt vào danh sách này. Số lượng công ty lọt vào danh sách này đứng đầu cả nước trong 24 năm liên tiếp.
Từ năm 2008, Trung Quốc tiếp tục khám phá thị trường nội địa, ngành thương mại điện tử của Chiết Giang cũng đã hợp tác với ngành sản xuất hàng tiêu dùng, phá bỏ rào cản bán hàng trên toàn quốc và thế giới. Hàng tiêu dùng của Chiết Giang được bán thông qua internet.
Trong báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của 10.000 doanh nghiệp tư nhân năm 2022 được công bố đầu tháng 11/2023, Chiết Giang đứng đầu trong số 10 tỉnh có môi trường kinh doanh tốt nhất.
Tổng hợp