Tín hiệu của Fed và cảnh báo tới thị trường tài chính châu Á

Hoàng Anh | 14:00 03/12/2021

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng khởi động chu kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ, điều này là áp lực mà các ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt để theo kịp và thúc đẩy điều chỉnh lãi suất điều hành nhanh hơn trong thời gian tới.

Tín hiệu của Fed và cảnh báo tới thị trường tài chính châu Á
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động.

Cảnh báo trên vừa được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đưa ra trong một báo cáo mới đây.

Fed đã phát tín hiệu

Theo HSBC, vừa qua Jerome Powell - Chủ tịch Fed đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hành động.

Dự đoán về hành động của Fed, HSBC cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá cả đã leo thang với tốc độ nhanh chóng, Fed dường như đã sẵn sàng điều chỉnh tốc độ mua tài sản và nâng lãi suất điều hành trong ít tháng nữa.

Ông Ryan Wang - Nhà kinh tế học Mỹ của HSBC đã đưa ra kỳ vọng thời điểm Fed điều chỉnh tốc độ mua tài sản sẽ rơi vào khoảng tháng 3/2021 và sẽ có bốn đợt điều chỉnh lãi suất điều hành tính đến cuối năm 2023, đợt đầu tiên rơi vào tháng 6/2022.

du-bao-ls-fed.png

Dự báo của HSBC về lãi suất Fed (%, cận trên)

Từ nhận định trên, HSBC cho rằng, khi Fed “cất cánh”, chắc chắn sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định. Trước đây, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn.

Thậm chí ở những thị trường có tình hình tài chính bị tác động nhẹ, chủ yếu ở các nước đã phát triển, một động thái của Fed thường biểu thị tín hiệu khởi động một chu kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng phụ thuộc lẫn nhau trong những năm qua.

Lần này cũng vậy, động thái của Fed chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng lên các quốc gia khác.

Châu Á vẫn là vùng ít “nhiễu động”

Tuy nhiên, HSBC dự báo tác động đối với khu vực châu Á lại khá nhẹ nhàng.

Dự báo sự nhẹ nhàng ở khu vực châu Á được HSBC lí giải là do áp lực lạm phát không còn nặng nề tại hầu hết các nước trong khu vực so với Mỹ và không có khả năng trở nên nặng nề trong tương lai gần.

Ngoài ra, trong chu kỳ lần này, quá trình phục hồi kinh tế ở Mỹ ngày càng bớt liên quan đến hoạt động nhập khẩu vì mở cửa lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ hơn là hàng hóa, điều đó khiến động lực tăng trưởng truyền thống truyền từ Tây sang Đông bị yếu đi.

Đáng chú ý là thời gian gần đây cán cân thanh toán quốc tế vững mạnh giúp các ngân hàng trung ương châu Á thoải mái bỏ xa Fed.

Tuy dự báo không tác động động mạnh tới khu vực châu Á nhưng HSBC cho rằng một vài nơi vẫn cần sự điều chỉnh. Như ở Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia và Phillipnes báo cáo của HSBC kỳ vọng sẽ có điều chỉnh tăng lãi suất ở mức 25-50 điểm cơ sở xuyên suốt năm 2023 so với trước đây.

Còn ở Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam thì HSBC cũng điều chỉnh dự báo thời điểm điều chỉnh sớm lên một hai tuần, mặc dù không thay đổi mức độ thắt chặt cho tới cuối năm 2023…

Theo phân tích của HSBC, tại nhiều quốc gia châu Á, giá tiêu dùng chưa tăng nhanh như ở các nước khác trên thế giới.

lam-phat.png

Chỉ số lạm phát CPI mới nhất và mục tiêu/dự báo chính thức của ngân hàng trung ương (% so với cùng kỳ năm trước)

Nói như vậy không có nghĩa tình hình không có gì đáng lo ngại. Như giá nhiên liệu thế giới tăng cũng đã tạo ra những ồn ào nhất định trong mấy tháng vừa qua. Giá lương thực thế giới leo thang cũng làm dấy lên mối quan ngại, mặc dù trên thực tế, chỉ số CPI lương thực trong nước tại khu vực châu Á không chịu nhiều ảnh hưởng từ giá lương thực thế giới, nguyên nhân chính chủ yếu do gián đoạn trong nước.

Tuy nhiên, vẫn cần lưu tâm đến mức độ gia tăng của chỉ số lạm phát toàn phần. Nhưng điều quan trọng là lạm phát cơ bản hầu như không nhúc nhích, chỉ tăng nhẹ dần đều, gần bằng mức thấp nhất kể từ đầu những năm 2000.

th-chau-a.png

Thời gian các thị trường châu Á có động thái ứng phó với các đợt tăng hoặc cắt giảm lãi suất của Fed (tháng)

HSBC cho rằng, khó để đưa ra nhận định rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực giá nặng nề và tồi tệ giống các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

"Lá chắn phòng thủ" từ tài khoảng vãng lai

Báo cáo của HSBC nhận định, nhìn lại quá khứ cho thấy các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không vội chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ.

Tài khoản vãng lai vốn được coi là “lá chắn phòng thủ” đầu tiên trong trường hợp xảy ra biến động trên thị trường tài chính thế giới. Chỉ số này được duy trì tốt trong khu vực châu Á và được đánh giá là tốt hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây của Fed.

tai-khoang-vang-lai.png

Tài khoản vãng lai (% GDP, bình quân qua các giai đoạn)

Cùng với đó, theo quan sát của HSBC, khu vực châu Á, ngoại trừ New Zealand, các nước đều có mức chênh lệch về lãi suất điều hành thực tế cao hơn so với trước kia.

Đây được xem là một “tấm đệm” đảm bảo giúp các ngân hàng trung ương có thể bình tĩnh ứng phó với chính sách thắt chặt của Fed.

image.png

Lãi suất điều hành hiện tại và lãi suất trung lập dự kiến tới hết 2023 (%)

Báo cáo của HSBC cũng lưu ý, những tháng gần đây, kỳ vọng thắt chặt chính sách rõ ràng đã tăng thêm dù là ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là phạm vi điều chỉnh tăng lãi suất phụ thuộc vào lãi suất “trung lập” đối với một nền kinh tế nhất định.

Chỉ số này biến động theo thời gian nhưng cũng thay đổi theo mô hình nhất định trong những thập kỷ gần đây, giảm “trần” điều chỉnh tăng lãi suất trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ hạn chế tăng trưởng.

Hiện nay, tại phần lớn các nền kinh tế, lãi suất điều hành còn cần qua nhiều lần điều chỉnh tăng mới tới ngưỡng trung lập. Trên thực tế, so với mức bình quân trước đại dịch Covid-19, lãi suất trung lập đã giảm thêm.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần thận trọng vì từng đợt tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng chậm lại so với trước… chắc chắn đó là một điều cần lưu tâm khi Chủ tịch Jerome Powell bắt đầu tiến trình tăng lãi suất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tín hiệu của Fed và cảnh báo tới thị trường tài chính châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO