Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 vừa mới diễn ra, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước những khó khăn trong thời gian tới, ngay từ đầu năm, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Trong đó đáng chú ý, năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%.
Trao đổi bên lề Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, NHNN đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện và chỉ đạo các NHTM tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm.
Theo đó, NHNN tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành và chỉ đạo hoạt động tín dụng, cơ chế phân bổ chỉ tiêu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM tích cực, mạnh dạn và chủ động trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu về vốn. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục duy trì những chính sách đã và đang thực hiện suốt thời gian vừa qua, kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM tập trung vốn vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực cần có sự ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ cũng như động lực góp phần làm cho tăng trưởng nền kinh tế. Đơn cử như các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, lĩnh vực điện, giao thông… Đối với các lĩnh vực này, không chỉ 4 NHTMCP nhà nước mà các NHTMCP tư nhân cũng rất quan tâm.
Cùng với đó, các gói tín dụng ưu đãi như gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, sửa chữa những khu chung cư cũ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là một chính sách lớn mà Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng cùng với các ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng và các ngành chức năng.
Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý hiện nay, còn nguồn vốn thì đã sẵn sàng để giải ngân và giải ngân theo tiến độ của từng dự án cũng như khả năng tài chính, nhu cầu vay vốn của các nhà đầu tư.
Một số gói tín dụng khác như gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ hải sản cũng đã được triển khai rất tích cực, chưa được một năm đã giải ngân hết. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM đã và đang tham gia sẽ tiếp tục bổ sung thêm 15.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay nữa đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản.
Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng cũng sẽ là một lĩnh vực được tạo điều kiện và đẩy mạnh. Bởi lẽ, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy khả năng tiêu dùng của nền kinh tế, kéo theo cầu sản xuất.
Một số lĩnh vực khác như tín dụng cho DNNVV, hợp tác xã… cũng sẽ tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Mặc dù khó khăn, vướng mắc của các lĩnh vực này không chỉ cần giải quyết từ phía của NHNN mà phải cần sự vào cuộc đồng bộ của rất nhiều bộ, ngành và kể cả các địa phương.
Nói về quan điểm điều hành tăng trưởng tín dụng thời gian tới, Phó Thống đốc cho rằng, quan điểm nhất quán của NHNN là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các NHTM lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích thì NHNN sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng. Tuy không thắt chặt nhưng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo hai yếu tố trên.
“Năm nay NHNN sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng kiểm tra thông qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. Đảm bảo tín dụng hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.