TikTok đã tạo dựng được tên tuổi ở Mỹ với vai trò nền tảng chia sẻ video lan truyền xu hướng. Giờ đây, ứng dụng đang cố gắng trở thành điểm đến mua sắm, thậm chí phổ biến hơn Amazon, trong mắt 150 triệu người dùng.
Cùng lúc này, ‘gã khổng lồ’ Amazon cũng đang thử nghiệm các chiến thuật mới nhằm duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực thương mại điện tử. Công ty cài cắm thêm các yếu tố xã hội để thu hút người trẻ, đồng thời xây dựng mạng lưới những người có tầm ảnh hưởng lớn để bán các mặt hàng trong và ngoài trang website.
Kết quả, 2 công ty đang trong mối quan hệ xung đột giành vị thế. Các chuyên gia tại Insider Intelligence ước tính thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ phát triển và chạm mốc 100 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 67 tỷ USD trong năm 2023.
TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, muốn giành được niềm tin từ khách hàng như Amazon. Ngược lại, Amazon cũng đang cố gắng thuyết phục người dùng coi họ như một dịch vụ truyền thông xã hội giống TikTok.
TikTok ra mắt tính năng TikTok Shop vào tháng trước tại Mỹ; hiện đang bán các sản phẩm giá rẻ như bàn chải tóc, dụng cụ làm trắng răng và áo nỉ mùa thu. Mục tiêu là đạt 10 USD triệu doanh thu/ngày vào cuối năm nay, theo WSJ. Để so sánh, vào năm ngoái, doanh số cửa hàng trực tuyến toàn cầu của Amazon đạt khoảng 603 triệu USD/ngày.
Theo WSJ, TikTok đang mạnh tay xây dựng mạng lưới vận chuyển, chiêu mộ nhân tài của Amazon và cố gắng thu hút người bán bên thứ ba bằng cách đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn. Được biết, hơn 60% doanh số bán lẻ của Amazon đến từ người bán bên thứ ba.
“Đây là một sự thay đổi lớn về cách thức mọi người mua sắm. Chúng tôi muốn đảm bảo mình đang đi đúng hướng”, Marni Levine, giám đốc điều hành thương mại điện tử TikTok chuyên phụ trách các hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nói và từ chối bình luận việc TikTok có coi Amazon là đối thủ cạnh tranh hay không.
Niềm tin khách hàng - Lợi thế của Amazon
Amazon dành nhiều năm xây dựng lòng tin khách hàng nhờ chính sách vận chuyển nhanh gọn và hoàn trả linh hoạt. Mục tiêu này đang được TikTok Shop dần hiện thực hóa.
Deanna Arora, 26 tuổi ở Seattle, gần đây đã mua một chiếc lược gỡ rối trị giá 9 USD trên TikTok Shop sau khi xem các video review từ KOLs. Chia sẻ với WSJ, cô cho biết Amazon cũng bán mặt hàng này song vẫn quyết định đặt niềm tin vào ứng dụng mới. “Rõ ràng tôi đã bị TikTok mê hoặc. Đó là kiểu phấn khích mà TikTok đang cố gắng biến thành lợi nhuận”, Deanna Arora nói dù không biết chiếc lược này có phải hàng nhái hay không.
Trước Mỹ, TikTok Shop được ra mắt tại Anh vào năm 2021. Grace Humphrey, một nhà sáng tạo nội dung cho biết cô được trả tiền để tạo 15 video mỗi ngày, sau đó đánh giá 5 sao sản phẩm. “Mục đích là xây dựng niềm tin với Vương quốc Anh và đạt nhiều doanh số bán hàng nhất có thể”, Grace Humphrey nói.
Theo Juozas Kaziukėnas, Giám đốc điều hành Marketplace Pulse, cửa hàng ứng dụng mới của TikTok Shop gần giống với cửa hàng ứng dụng của Amazon ở điểm hỗ trợ chức năng đồng bộ hóa dữ liệu và vận chuyển đơn hàng mà không làm thay đổi cách thức hoạt động hoặc giao diện.
“Những ứng dụng đó giúp bạn quản lý công việc kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bán hàng trên nhiều kênh”, ông Juozas Kaziukėnas nói và cho biết việc nêu bật các đối tác bên thứ ba sẽ lôi kéo rất nhiều người bán sử dụng Tik Tok Shop.
Tương tác người dùng - Ưu điểm của TikTok
Ưu điểm lớn nhất của TikTok là sự phổ biến. Người Mỹ dành ra trung bình 2 giờ/ngày cho ứng dụng trong khi với Amazon chưa đến 10 phút.
Để giữ chân người dùng lâu hơn và tạo ra trải nghiệm mua sắm thu hút giới trẻ, Amazon đã tích hợp nhiều tính năng xã hội vào ứng dụng của mình. Thứ nhất là Inspire - công cụ hiển thị cho người dùng nguồn cấp dữ liệu ảnh và video theo phong cách TikTok. Thứ hai là tính năng Chia sẻ cho phép người dùng chia sẻ nội dung và sản phẩm yêu thích với bạn bè. Một vài công cụ khác cũng đang được Amazon thử nghiệm, chẳng hạn như hỗ trợ khách hàng phản hồi về sản phẩm.
Theo WSJ, Amazon đang giúp các KOLs quảng bá sản phẩm và kiếm tiền hoa hồng từ doanh số. Tuy nhiên, cách tiếp cận này phụ thuộc rất nhiều vào những người có tầm ảnh hưởng vốn đã quen đăng bài trên các nền tảng như TikTok và Instagram.
Giao hàng nhanh - Lợi thế của Amazon
Krystal Sprouse, khách hàng trung thành của Amazon, mới đây đã xuống tiền mua album “Reputation” của Taylor Swift trên TikTok Shop với giá 26 USD. Giá rẻ hơn thị trường song trải nghiệm mua sắm của cô gần như không trọn vẹn khi gói hàng từ TikTok mất 1 tuần mới tới nơi.
“Tôi thiếu kiên nhẫn, vì vậy tôi sẽ chọn Amazon để nhận hàng ngay vào ngày hôm sau”, Sprouse nói.
Amazon dành nhiều năm xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể vận chuyển các đơn hàng trong vòng nhiều nhất 2 ngày. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày nền tảng giao hơn 13 triệu gói hàng ở Mỹ, theo dữ liệu công ty cung cấp.
Để cải thiện trải nghiệm mua sắm, TikTok đang đặt ra thời hạn tối đa 3-4 ngày để các thương nhân Mỹ vận chuyển hàng hóa. Việc phải gấp rút đóng, gói sản phẩm có thể khiến những người bán này quá tải, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu và cuối cùng bị trục xuất khỏi nền tảng.
“TikTok có những chính sách và quy định rất nghiêm ngặt, vậy nên chúng tôi buộc phải nhờ người giúp”, một chủ doanh nghiệp cho biết.
TikTok có cơ sở để trở nên khắt khe với quy chuẩn đóng gói hàng. Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn giúp nền tảng dành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”. Chỉ khi rút ngắn được thời gian giao hàng, TikTok Shop mới có thể cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.
Đội quân KOLs - Lợi thế của TikTok
Amazon chứng kiến nhiều bước tiến kể từ năm 2017 khi tung ra chương trình hỗ trợ các KOLs. Đối với một số người, khoản tiền này tương đương thu nhập của một công việc toàn thời gian.
Michelle Lei chấp nhận từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm vào năm ngoái để trở thành người có ảnh hưởng toàn thời gian trên Amazon. Cô cho biết mình có thể kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng, bao gồm cả tiền hoa hồng.
Thế nhưng, nếu xét đến các ưu đãi thu hút người nổi tiếng, TikTok Shop vẫn có lợi thế hơn cả. Kayla Ruliffson, 20 tuổi, KOLs chuyên quảng cáo mỹ phẩm với 100.000 người theo dõi cho biết chỉ trong vài ngày, cô dễ dàng kiếm được 3.000 USD. Có những video viral khiến cô ‘bỏ túi’ nhanh gọn những 20.000 USD trong khi chiết khấu hoa hồng từ Amazon chưa bao giờ vượt quá 1.000 USD/tháng.
TikTok, với những mục tiêu đầy tham vọng, đang dự đoán mức tăng trưởng vượt bậc tại châu Á. Một giám đốc điều hành trong khu vực cho biết 15 tỷ USD tổng doanh thu hàng hóa (GMV) có thể là con số “khiêm tốn” nếu so với sức hút của ứng dụng.
“TikTok hiện đang chi một số tiền đáng kinh ngạc để khuyến khích cả người mua và người bán”, Jonathan Woo noi, đồng thời ước tính các ưu đãi rơi vào khoảng 600 triệu đến 800 triệu USD/năm.
Theo đại diện TikTok Shop, ứng dụng sẽ “tiếp tục phát triển nhanh chóng” khi ngày càng nhiều người bán sử dụng nền tảng để tiếp cận khách hàng mới. Vào năm 2022, TikTok Shop mở rộng ra 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok vào năm 2023 sẽ đạt 20% so với Shopee”, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết.
“Họ có thế mạnh về mỹ phẩm và làm đẹp, không phải đồ điện tử hay hàng gia dụng có tỷ suất lợi nhuận cao. Họ đã gặp khó khăn bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ”, giám đốc điều hành tại một nền tảng thương mại điện tử nói.
Theo: WSJ, CNBC