Thông tin với MarketTimes sau sự kiện “Cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản” vừa diễn ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết bên cạnh những khó khăn về dòng tiền từ 2 kênh huy động chính là trái phiếu và tín dụng ngân hàng thì vướng mắc lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn mong muốn sớm được Chính phủ, Bộ Xây dựng tháo gỡ là những tồn tại liên quan đến cơ chế, chính sách đang điều tiết các hoạt động của thị trường bất động sản hiện nay.
Theo đó, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hầu hết các doanh nghiệp tham dự Cuộc họp với Chính phủ và Bộ Xây dựng vừa qua đều thống nhất quan điểm về việc vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Cụ thể, theo Chủ tịch HOREA hiện nay các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đang làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Cũng chính việc một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định, ông Châu nêu vấn đề.
Từ nhận định về khó khăn “chính yếu” đang làm khó các doanh nghiệp bất động sản hiện nay, theo thông tin từ ông Lê Hoàng Châu cho biết, tại cuộc họp đặc biệt với Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhất trí cao một số đề xuất, kiến nghị gỡ khó, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ chế, chính sách.
Nội dung được các doanh nghiệp tập trung đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn trong lúc thị trường đang “nước sôi lửa bỏng” hiện nay theo HOREA là việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Các doanh nghiệp ủng hộ quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” và thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”, để các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.
Theo HOREA, tại cuộc họp đặc biệt với Chính phủ vừa qua, các doanh nghiệp đề xuất, trong khi chờ Luật Đất đai mới có hiệu lực (dự kiến từ ngày 01/07/2024) cũng như một số luật liên quan khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi, đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP để tháo gỡ các “vướng mắc” về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, một nội dung cũng được các doanh nghiệp tập trung đề xuất là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành “quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập” đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2021/NĐ-CP để tháo gỡ “ách tắc” của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.
Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó về dòng vốn hiện nay, theo HOREA, một trong những giải pháp “nóng” mà các doanh nghiệp mong muốn sớm được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là việc cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được “chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất” để tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền” giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.