Theo đó, tại Công ty TMHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mốc 86,2 - 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng ở cả hai chiều so với kết phiên liền trước. Đây được ghi nhận là mức giá cao nhất từ trước đến nay mà vàng miếng SJC thiết lập được. Giá kim loại quý này đã có chuỗi 5 phiên tăng giá liên tục, thiết lập đỉnh giá mới.
Tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại mức 86 - 88 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng so với cuối ngày hôm qua là 900.000 đồng ở chiều mua và 600.000 đồng ở chiều bán.
Tương tự tại Bảo Tín Minh Châu, sáng nay giá vàng miếng SJC tại đơn vị này cũng ghi nhận tăng thêm 550.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán, hiện giao dịch tại 86,1 - 87,8 triệu/lượng.
Duy nhất tại Tập đoàn DOJI, giá vàng miếng ghi nhận giảm khoảng 100.000 đồng so với chốt phiên hôm qua khi giao dịch ở mốc 85,2 - 86,7 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Theo Kitco, giá vàng thế giới hôm nay(9/5) giao ngay chốt ở mức 2.313,4 USD/oz, giảm 1,2 USD/oz so với đóng cửa phiên trước. Theo quy đổi tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương xấp xỉ 71 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Sau đà tăng giá liên tiếp của vàng trong nước bất chấp giá vàng thế giới đi xuống, vàng miếng SJC đã lập đỉnh lịch sử và đắt hơn thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định, thị trường vàng thế giới có thể đang chờ một chất xúc tác để tăng giá đột biến. Dư địa giảm giá vàng không nhiều vì các nhà quản lý quỹ vẫn đang mua vào, dù lực mua có phần hạn chế.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ dự kiến sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày 15/5 cũng sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư vàng trong ngắn hạn.
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins cho rằng, chính sách lãi suất của Fed có thể sẽ phải duy trì ở mức hiện tại cho tới khi lạm phát giảm bền vững về mục tiêu 2% của Fed.