Không nằm ngoài xu thế phát triển của công nghệ 4.0, OCB đã nhanh chóng nhập cuộc từ rất sớm với các sản phẩm, dịch vụ số hóa mạnh mẽ, trong đó có thể kể đến ngân hàng số OCB OMNI – ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam với hơn 250 sản phẩm tài chính và dịch vụ tiện ích số thuận tiện và đạt được những con số tăng trưởng vô cùng ấn tượng với 60% số lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nền tảng tìm, vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home cũng mở rộng kết nối với gần 30.000 môi giới, thêm 40.000 tài sản được đăng tin, đi vào vận hành thành công mobile app dành cho môi giới và mobile app dành cho khách hàng vay. Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 500.000 lượt tiếp cận và gần 2.000 hồ sơ đã được giải ngân.
2023 cũng là năm ghi dấu nhiều cột mốc đáng nhớ trên hành trình chuyển đổi số của OCB khi ra mắt Ngân hàng số thế hệ mới Liobank - Ngân hàng số dành riêng cho giới trẻ và mới đây nhất, ngày 04/10, nhà băng này tiếp tục tung ra sản phẩm thẻ OCB Mastercard World được thiết kế chuyên biệt cho phân khúc khách hàng cao cấp. Đây là dòng thẻ ứng dụng công nghệ tích hợp, cho phép kết nối cùng lúc thẻ tín dụng và thẻ thanh toán trên cùng một phôi thẻ vật lý và một con chip duy nhất, tự động hóa nhận biết và ưu tiên nguồn tiền phù hợp trong từng giao dịch, giúp chủ thẻ tối ưu hóa trong việc quản lý tài chính.
Từ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ cho đến hoạt động kinh doanh ấn tượng và bền vững, OCB là một trong số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR và hoàn thành kế hoạch đặt ra trong nửa đầu năm 2023. Đây là động lực quan trọng giúp ngân hàng có được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong bối cảnh ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, OCB đã bứt tốc mạnh mẽ trong quý 2 với lợi nhuận trước thuế tăng 75% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, OCB là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai hệ thống.
Trước những con số biết nói trên, OCB đã chứng minh được sự đúng đắn trong chiến lược dài hạn bằng việc liên tiếp được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận thông qua những giải thưởng danh giá. Đây cũng không phải lần đầu tiên của OCB tại Thương hiệu Mạnh Việt Nam khi trước đó, nhà băng này đã được vinh danh trong hạng mục ngành ngân hàng trong khuôn khổ giải thưởng úy tín này vào năm 2022.
“Trong suốt hành trình 27 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi tự hào bởi OCB luôn là ngân hàng tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số và xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh tốc độ tăng trưởng liên tục, bền vững, hiệu quả. Và việc gần đây, OCB liên tiếp nhiều năm liền nằm trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam ngành ngân hàng, quả thực đây chính là sự ghi nhận và động lực để chúng tôi không ngừng cố gắng nhiều hơn nữa trong hành trình đem đến trải nghiệm tối ưu dành cho khách hàng”. Đại diện Lãnh đạo OCB cho biết.
Trong giai đoạn tới, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó thúc đẩy hoạt động bán lẻ, đầu tư mạnh về công nghệ số, kiện toàn hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế theo chiến lược 5 năm 2021-2025.
Được biết, chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm nay có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn đầu ngành của nhiều lĩnh vực kinh tế. Các thương hiệu được khảo sát, công bố và vinh danh trong Top Thương hiệu Mạnh Việt Nam là những đơn vị lớn có kết quả hoạt động xuất sắc, ấn tượng, có giá trị thương hiệu cao được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế định giá.
Ngoài ra, những thương hiệu được khảo sát và đánh giá phải có các tiêu chí về phát triển bền vững, tiên phong trong các kế hoạch hoạt động cải thiện môi trường, biến đổi khí hậu và hướng tới thực thi net-zero tại Việt Nam, cũng như tăng cường các chính sách hướng tới người lao động, cộng đồng và các doanh nghiệp. Và đặc biệt, tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra hiệu quả đột phá – chính là một trong những yếu tố được Hội đồng và bạn đọc đặc biệt quan tâm trong quá trình bình xét.