Tiền ngày càng khó huy động, ngân hàng nào sử dụng hiệu quả nhất?

Minh Thư | 11:11 19/05/2023

Lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn đã giảm sâu so với hồi cuối năm 2022. Ngân hàng vì vậy ngày càng khó huy động tiền gửi và luôn phải tìm cách tối ưu nguồn lực đang hạn hẹp này.

Tiền ngày càng khó huy động, ngân hàng nào sử dụng hiệu quả nhất?
VPBank đứng đầu về hiệu quả sử dụng tiền gửi.

Nội dung chính: 

  • Tạm tính hiệu quả sử dụng tiền gửi bằng Thu nhập lãi thuần/Tiền gửi của khách hàng. 
  • Các ngân hàng tầm trung đang chiếm ưu thế về hiệu quả sử dụng tiền gửi
  • Các ngân hàng ngày càng “chịu chi” cho khách gửi tiền. 

Làn sóng giảm lãi suất đang lan rộng tại Việt Nam, bắt đầu từ việc giảm lãi suất huy động - là mức lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn. Mức lãi suất hai chữ số không còn như hồi cuối năm 2022, mà đã giảm xuống xung quanh 8 - 9%/năm, thậm chí dưới 8%.

Với kỳ vọng lạm phát của người dân vẫn cao. Do vậy khi lãi suất tiết kiệm giảm, huy động vốn đã bắt đầu tăng chậm lại.

Tính đến ngày 27/4/2023 tiền gửi trên toàn hệ thống tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04% - theo Ngân hàng Nhà nước. 

Hiệu quả sử dụng tiền gửi (tiền gửi của khách hàng), được tạm tính bằng tỷ lệ giữa Thu nhập lãi thuần và Tiền gửi khách hàng cho thấy thứ hạng các ngân hàng trong việc tạo lợi nhuận từ tiền gửi khách hàng. 

Ưu thế thuộc về các ngân hàng tầm trung

Trong 27 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, VPBank đang đứng đầu về hiệu quả sử dụng vốn huy động, đạt 2,88%. Có nghĩa là trong quý I/2023, cứ 100 đồng tiền gửi từ khách hàng, VPBank tạo ra 2,88 đồng thu nhập từ cho vay (sau khi đã trừ chi phí lãi vay cho khách). Năm 2022, hệ số này của VPBank đạt 13,53%, cũng đứng đầu hệ thống. 

Tuy vậy, về giá trị tiền gửi của khách hàng tính đến cuối quý I/2023, VPBank chỉ đứng thứ 9 trong hệ thống với hơn 331.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV dù mỗi ngân hàng huy động trên 1 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, vẫn xếp sau về thứ hạng, không lọt top 10 nhóm ngân hàng có chỉ số hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất. 

Top 10 ngân hàng có Hệ số hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất hệ thống trong quý I/2023

“Chi đậm” cho khách hàng, bí quyết thành công?

Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy trong quý I/2023, các ngân hàng chi tổng cộng hơn 151.000 tỷ đồng để trả lãi cho khoản tiền huy động, tăng 81% so với cùng kỳ. Đây là các khoản chi mà ngân hàng trả cho khách hàng gửi tiền. 

Trong nhóm 5 ngân hàng có Hệ số hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất, VIB là ngân hàng có tỷ lệ tăng chi phí thấp nhất, nhưng vẫn trên 88%, cao hơn mức tăng chung của hệ thống. 4 ngân hàng còn lại (VPBank, MBBank, HDBank, MSB) đều có mức tăng trên 95%.

Trong nhóm 10 ngân hàng có Hệ số hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất, chỉ có SHB và Ngân hàng Phương Đông có tăng trưởng chi phí lãi thấp hơn mức bình quân, đạt gần 80%. 

Chi phí lãi vay các ngân hàng thuộc Top 10 ngân hàng có hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất quý I/2023

Cũng theo dữ liệu báo cáo tài chính, tính trên toàn hệ thống, cứ mỗi 100 đồng tiền gửi của khách hàng (tại thời điểm cuối quý I/2023), ngân hàng phải chi 1,76 đồng tiền lãi trong 3 tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn lãi suất các khoản tiền gửi tiết kiệm, vì một phần trong số tiền gửi là không kỳ hạn, tài khoản thanh toán có lãi suất rất thấp, thậm chí không có lãi. Tỷ lệ này đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ 2022 do lãi suất tiền gửi đầu năm nay cao hơn cùng kỳ dù đã giảm so với cuối năm 2022. 

Xét trên chỉ số này, mức độ “chịu chi” của các ngân hàng top đầu cũng vượt trội so với chỉ số chung. Trong top 10 ngân hàng có Hệ số Hiệu quả sử dụng tiền gửi cao nhất, ACB là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ Chi phí lãi/Tiền gửi thấp hơn mức bình quân, đạt 1,66%. VPBank không chỉ đứng đầu về hiệu quả sử dụng tiền gửi, còn là một trong ba ngân hàng có tỷ lệ Chi phí lãi/Tiền gửi cao nhất hệ thống, đạt 2,56%. 

  • - Hệ số hiệu quả sử dụng tiền gửi = Thu nhập lãi thuần/Tiền gửi khách hàng cuối kỳ
  • - Dữ liệu được FiinPro-X tổng hợp từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Agribank thuộc nhóm Big 4 - một trong bốn ngân hàng lớn nhất không có trong danh sách. 
  • - Các chỉ số trong bài viết do tác giả tính toán dựa trên dữ liệu báo cáo tài chính. 
  • Trong các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho vay của các ngân hàng, có hệ số NIM vẫn được biết đến rộng rãi. 
  • Hệ số NIM (Biên lãi ròng) được đo lường chênh lệch giữa thu nhập từ lãi vay so với tài sản sinh lãi của ngân hàng có ý nghĩa tương tự hệ số sử dụng tiền gửi, được tính bằng công thức sau:

NIM = Thu nhập lãi thuần/Bình quân tài sản sinh lời từ lãi

Tài sản sinh lời từ lãi bao gồm các khoản tiền mà ngân hàng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tại các tổ chức tín dụng khác, cho vay khách hàng, đầu tư chứng khoán...

Chỉ số này được tính cho 4 quý gần nhất. Theo công thức này, FiinPro-X đã tính cho các ngân hàng tại Việt Nam và cho ra kết quả như sau:

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiền ngày càng khó huy động, ngân hàng nào sử dụng hiệu quả nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO