Thủ tướng: "Tôi mong muốn có sự chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp"

PV (theo Chinhphu.vn) | 09:55 01/08/2022

Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Thủ tướng: "Tôi mong muốn có sự chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp"
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức ý nghĩa. Chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm

Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công nhân, người thu thập thấp. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Mặt khác, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp… Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là một kết quả đáng kể. Một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thi nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn, các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ, các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường… Một trong những quyền của con người là có chỗ ở, có công ăn việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Đây cũng là thực tế khách quan của một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ một nước nghèo nàn lạc hậu sau nhiều năm bị tán phá bởi chiến tranh, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức vừa qua, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định các loại thị trường. Đáng quý là càng trong khó khăn, người Việt Nam càng đoàn kết và thường "biến nguy thành cơ".

"Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan sắp tới triển khai các hội nghị để vừa phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi này, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, các giải pháp cần làm thời gian tới, trong đó có vấn đề phát huy mạnh mẽ tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, luật pháp của nhà nước và với tình hình, điều kiện thực tế; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề cơ chế, chính sách tài chính, sự vào cuộc của các địa phương…

"Trong thời gian ngắn, động lực nào để chúng ta tạo ra sự đột phá trong bối cảnh nhu cầu rất cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong đó có việc bảo đảm cân đối lớn về lao động, bao gồm vấn đề nhà ở cho người lao động. Tôi mong muốn sau Hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp", Thủ tướng phát biểu.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tóm tắt về triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

img8155-16593211410272052699898.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã giúp cho số lượng rất lớn hộ gia đình được cải thiện nhà ở.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Về cơ chế chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chính sách phát triển nhà ở hiện hành cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trong thời gian vừa qua được thực hiện theo các quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cụ thể là: Quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở; Quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định các cơ chế ưu đãi; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Về việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian gần đây, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra thường xuyên công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc trực tiếp với một số địa phương trọng điểm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Về kết quả đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Trong đó:

Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2;

Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.

Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhầ ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Tính đến ngày 05/7/2022, có 41/63 địa phương có báo cáo, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số tồn tại, khó khăn trong, cụ thể:

Về quy định pháp luật, trong quá trình triển khai các quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, cụ thể như sau:

Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng: trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với Chủ đầu tư: Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên theo pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu Chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi Chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án.

Về tổ chức thực hiện, Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội: Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030. Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Thủ tướng Chính phủ giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Để có cơ sở số liệu lập đề án đề nghị các địa phương báo cáo trong tháng 8 một số nội dung theo yêu càu Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Bộ trưởng cũng đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp cần làm đối với các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình Bộ Xây dựng sẽ Nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV).

Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thủ tướng: "Tôi mong muốn có sự chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO