Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phải cải cách thể chế, "nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội "chảy" về báo chí

Dương Trang | 06:30 17/06/2024

Mấy năm gần đây báo chí trong nước đang giảm mạnh doanh thu, điều này đặt ra cho các cơ quan báo phải đa dạng hoá nguồn thu, trong đó phải tạo ra những nguồn thu an toàn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phải cải cách thể chế, "nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên mạng  xã hội "chảy" về báo chí
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, phải cải cách thể chế, "nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội "chảy" về báo chí

Nguồn thu báo chí giảm mạnh

Tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” mới đây, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng dẫn số liệu từ Hội nghị báo chí Toàn quốc năm 2023 cho biết, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí: tỷ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%; đối với phát thanh, truyền hình: tỷ lệ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.

Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm hơn 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là hơn 90%.

Cũng theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí.

"Hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Không chỉ vậy, các cơ quan báo chí còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp…”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2020-11-17-_thutruongtttt.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá, các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống

Một số cơ quan báo chí đã triển khai thu phí mới ở mức độ thử nghiệm ở một số chuyên mục. Đáng chú ý, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp: “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”.

Cũng nói về thách thức đối với báo chí, ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể.

Bên cạnh đó, thị trường quảng cáo của báo chí cũng giảm, đơn cử giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm in giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.

Ở trong nước, quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu, nhưng đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng. Hiện nhiều cơ quan báo chí tập trung vào việc tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội và nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu an toàn. Trong đó, doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn, đó là nguồn thu an toàn và hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí.

Đa dạng hoá nguồn thu

Nói về đa dạng nguồn thu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cách đây hơn 10 năm cũng đã đề cập đến thu phí từ độc giả. Báo chí thế giới cũng đã thử nghiệm rất nhiều, đã mắc sai lầm rất nhiều.

Ví dụ như The New York Times đẩy mảng thu phí lên rồi hạ xuống, rồi lại đẩy lên. Washington Post đã quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí rồi lại thu phí. Và hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí.

Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới cũng thực hiện đa dạng hóa nguồn thu như: quảng cáo truyền thống; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Minh cũng chia sẻ, đại diện truyền thông cũng là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.

“T Brand của The New York Times sản xuất chương trình và nội dung quan trọng cho các khách hàng chính như Cartier, Google, American Express…”, ông Lê Quốc Minh dẫn chứng.

screen-shot-2024-06-14-at-17.00.16.png
Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, các cơ quan báo phải đa dạng hoá nguồn thu, trong đó phải tạo ra nguồn thu an toàn. (Ảnh: Int)

Báo chí thế giới còn cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Washington Post đã phát triển các sản phẩm công nghệ riêng, hỗ trợ trên 400 website và việc này tạo nguồn thu đáng kể cho tờ báo.

Theo ông Lê Quốc Minh, việc tổ chức sự kiện (liveshow, hội chợ, lễ trao giải và gala…) có thể đem lại trên 20% doanh thu nếu có đối tác tốt và bộ phận vận hành ổn, báo chí trong nước đang làm tốt điều này. Đơn cử như báo Đầu tư, báo Nhân Dân đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện và nhiều sự kiện rất thành công.

“Ngoài các hình thức trên, hiện nhiều cơ quan báo chí còn có các dịch vụ như cấp phép thương hiệu, thương mại điện tử, tổ chức nghiên cứu… để tạo doanh thu”, ông Lê Quốc Minh cho biết.

"Nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội "chảy" về báo chí

Để tháo gỡ khó khăn, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng phải sửa đổi, cải cách về thể chế. 

Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016, trong đó, sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.

“Có lẽ, phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, tiền đề mới ở tầm luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện liên quan đến kinh tế báo chí”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

 Đồng thời, cần có những thể chế khác trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi.

“Không phải chỉ cho phép các cơ quan mạnh dạn đặt hàng báo chí nhiều hơn mà còn đa dạng hơn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, báo chí phải đáp ứng xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón người dùng thế hệ mới với thói quen hành vi đã hoàn toàn thay đổi. Báo chí không còn định vị, nhìn nhận trong các dạng thức truyền thống nữa.

Bên cạnh đó, còn có những biện pháp khác nhằm điều tiết một số bất cập trong bức tranh kinh tế báo chí. Ví dụ, thời gian gần đây đã áp dụng "nắn" lại dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng để giảm bớt, không "chảy" về các kênh có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí. Từ đó, sẽ có thêm nguồn doanh thu quảng cáo trở về với những trang, kênh thông tin chính thống, trong đó có báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ vấn đề thể chế đáng quan tâm là Nghị định 18/2014 quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nghị định này đang được sửa đổi theo Luật Sở hữu trí tuệ, quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

“Chúng ta nói về nguồn lực khiêm tốn của cơ quan báo chí và phải cạnh tranh với mạng xã hội. Nhưng nguồn lực đó tiếp tục bị bào mòn bởi câu chuyện vi phạm bản quyền. Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi thể chế theo hướng khi sử dụng nội dung sáng tạo của báo chí thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả”, Thứ trưởng Lâm nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phải cải cách thể chế, "nắn dòng" doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội "chảy" về báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO