UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với MarketTimes về giải pháp cho việc sử dụng kém hiệu quả các cơ sở Nhà đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước tại Hà Nội thời gian qua, TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cấp thành phố đến các quận huyện, xã phường với quyết tâm chính trị cao và phải gắn trách nhiệm người đứng đầu một cách cụ thể.
“Chủ trương đã có từ lâu nhưng việc triển khai nhiều khi còn ở bề nổi nên không tránh khỏi tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, lúc phát động thì rất quyết tâm nhưng sau thực hiện gặp khó thì lại treo ở đó. Do vậy, hiện nay, cần tập trung thực hiện thí điểm một vài cơ sở còn tồn động một cách chuẩn chỉ, quyết liệt và triệt để, từ đó sẽ có cơ sở, kinh nghiệm để nhân rộng ra ”, TS. Nghiêm nhận định.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng được triển khai theo đúng quy định pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách hằng năm của địa phương; nhưng việc quản lý, sử dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian dài, nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định pháp luật. Hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp và không tương xứng với giá trị cũng như số lượng nhà đất.
Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của thành phố không được duy trì thường xuyên. Nhiều trường hợp có vi phạm (cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyển ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt); một số tranh chấp, vướng mắc diện tích… Hiện nhiều điểm nhà trong tình trạng xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa. Cơ chế quản lý sử dụng diện tích nhà tăng thêm sau cải tạo, sửa chữa chưa có cơ chế xử lý. Nợ đọng nghĩa vụ tài chính của các đơn vị còn nhiều, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm…
Do đó, để khai thác hiệu quả quỹ nhà chuyên gia trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu thống kê toàn bộ quỹ nhà hiện có, phân loại theo nhóm, theo mức độ vi phạm. Lập kế hoạch xử lý, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố. Đồng thời truy thu toàn bộ các khoản nghĩa vụ tài chính còn nợ đọng, thu hồi toàn bộ các địa điểm nhà, đất bị chiếm dụng, cho thuê trái phép.
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội đã đề rõ các nội dung, biện pháp khắc phục gồm.
Thứ nhất, rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố, bảo đảm quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Trong đó, giao Sở Xây dựng Hà Nội rà soát lại bảng giá cho thuê; phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2012của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố...
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định, nợ đọng nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài.
UBND Thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội chủ trì cùng Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà, đất) tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi lại các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định hoàn thành trong năm 2023; tổ chức truy thu toàn bộ các khoản nghĩa vụ tài chính do các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng; lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp chây ì.
Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.
Theo thông tin công bố, hiện nay, quỹ nhà chuyên dùng toàn Thành phố còn 838 địa điểm với 178.148m2 diện tích nhà và 155.156 m2 diện tích đất, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.