Chỉ mới hai năm trước, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, làn sóng bỏ phố về rừng bắt đầu trở nên sôi động. Những diễn đàn, những chủ đề về cuộc sống “bỏ phố về rừng” được chia sẻ xôm tụ, thu hút đông đảo cư dân mạng tham gia bình luận. Đó là thời điểm mà người người, nhà nhà đổ về các khu vực vùng ven thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM để săn tìm. Đó cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư chớp cơ hội xuống tiền, lướt sóng, kiếm khoản chênh lớn.
Thế nhưng, từ quý II/2022, thị trường bất động sản đang bắt đầu dấu hiệu trầm lắng. Trào lưu farmstay, homestay dần ảm đạm. Thị trường xuất hiện thông tin rao bán cắt lỗ đất nông nghiệp, hoặc thậm chí, chủ farmstay, homestay rao bán để thu hồi vốn.
Theo giới chuyên gia, sự trầm lắng của trào lưu này là điều hiển nhiên nhất là khi “bỏ phố về rừng” là quá trình thay đổi môi trường sống, làm việc và để thích ứng không phải là điều dễ dàng.
Trên góc độ nhìn nhận khác, anh Tài (nhà đầu tư, kiêm môi giới vùng ven Hà Nội) cho rằng: “Nếu nói bán farmstay về phố thì trường hợp này chỉ rơi vào nhóm nhà đầu cơ hoặc phần ít những người không xác định được những rủi ro về phố”.
Anh Tài phân tích thêm, với nhóm đầu cơ, bản chất họ muốn lướt sóng. Họ nghĩ 6 tháng, 1 năm có thể bán được dễ dàng nhưng khi thị trường trầm lắng thì rõ ràng rất khó thanh khoản vì đây là loại hình không đánh vào nhu cầu bức thiết cho mục đích an cư, ở. Nhóm này có thể vay ngân hàng phải gồng lãi, buộc phải bán cắt lỗ. Đây là nhóm bán cắt lỗ chính.
Hoặc còn các nhà kinh doanh mua đất về xây farmstay, homestay. Họ dự tính khi đầu tư, đưa công trình vào vận hành cơ bản, thu về dòng tiền. Họ bắt đầu bán để chốt lời. Trường hợp khác, có thể họ đầu tư dở dang nhưng không còn vốn hoàn thành các hạng mục, cũng sẽ phải bán.
Theo anh Tài, còn thêm 1 trường hợp khác nhưng rất ít, đó là những người vỡ mộng khi bỏ phố về rừng. Họ nhận thấy chi phí duy trì quá lớn, hoặc ít tận hưởng thì hao mòn cơ sở hạ tầng quá nhanh. Hoặc khi về ở, họ nhận thấy cơ sở học tập cho con hay đi làm của họ gặp nhiều trở ngại nên buộc phải bán. Trường hợp này vẫn diễn ra từ xưa đến nay, chứ không phải đến hiện tại mới xuất hiện.
“Mua đất làm farmstay, homestay nghỉ dưỡng thường chỉ dành cho giới nhà giàu. Họ có tiền mua để thi thoảng cuối tuần gia đình để nghỉ dưỡng. Với nhà giàu, họ xác định mua cho mục đích thư giãn cuối tuần nên sẽ không có nhu cầu bán bởi đó là thú vui”, anh Tài nói.
Hay như chia sẻ của chị Mai (người đã bỏ vế về rừng làm homestay 3 năm), với vợ chồng chị, xác định bỏ công việc ổn định ở Hà Nội về với núi rừng thì cũng đồng nghĩa phải tính đến khó khăn và rủi ro. Khoảng thời gian ban đầu không hề dễ dàng gì bởi về rừng có nghĩa là phải tự thân khởi nghiệp, kiếm tiền. Tuy nhiên, bù lại, cuộc sống ở núi rừng rất trong lành.
“Ba mẹ tôi đều từ Hà Nội lên đây ở cùng và rất yêu thích cuộc sống nơi đây. Khí hậu vô cùng trong lành và tốt cho sức khoẻ của ba mẹ. Đây cũng là lý do mà chúng tôi thấy yêu môi trường nơi này dù có lúc cảm thấy cô đơn, trống trải và thi thoảng thèm cảm giác sôi động ở Hà Nội. Thêm nữa, homestay đi vào hoạt động ổn định, có nguồn thu nhập tốt thì thực sự bỏ rừng về phố vừa tiếc, vừa chẳng biết về Hà Nội làm việc gì”.
Theo chị Mai, gia đình chị hiện tại đều hài lòng với cuộc sống trên rừng núi ở Sơn La. “Nhiều người Hà Nội về đây lập nghiệp nên hàng xóm thêm đông vui, không còn như thời gian đầu”.
Chị Mai cho rằng, bỏ phố về rừng với người trẻ như chị đồng nghĩa là lập nghiệp ở một vùng đất mới. Điều đó họ xác định kiên trì, làm việc chăm chỉ chứ không hoàn toàn đúng nghĩa “về nghỉ dưỡng”.