Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Lợi nhuận của các ngân hàng tính trên tổng tài sản là không lớn

Vân Anh | 13:07 09/06/2022

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, tính đến tháng 3/2022 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng là hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng khoảng 12 triệu tỷ và tài sản khoản 1,6-1,7 triệu tỷ. Như vậy, nếu tính lợi nhuận sinh lời trên tổng tài sản như vậy thì không phải là lớn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Lợi nhuận của các ngân hàng tính trên tổng tài sản là không lớn
Thiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 9/6 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình trạng thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, đối mặt với các gói nợ xấu thì cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 /2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá mạnh mẽ và hiệu quả đúng như Thống đốc đánh giá.

Ở chiều ngược lại trong 2 năm qua ngành ngân hàng cũng đã hỗ trợ rất tích cực cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng mức độ chia sẻ của ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân đối với đất nước chưa tương xứng khi kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp kỷ lục, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, người dân gặp vô vàn khó khăn, lao đao vì dịch bệnh; nhiều khoản nợ ngân hàng không trả được, nợ tăng trở lại nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Thống đốc đánh giá và chia sẻ về sự đồng hành của ngân hàng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước ta trong thời gian qua và giải pháp nào trong thời gian tới. Đại biểu đặt câu hỏi “Liệu đây là nỗi oan thị kính hay nỗi oan gì?”.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hướng xử lý đối với hai tình huống thực tế đang diễn ra: Thứ hất là mặt bằng lãi suất quốc tế đang và sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi mặt bằng lãi suất trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, thậm chí phấn đấu để giảm thêm. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước buộc phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế, chủ yếu thông qua việc siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế; đồng thời lại được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Thống đốc sẽ chọn giải pháp hy sinh một thứ một tý hay mặt nhiên không làm gì, hay phải có giải pháp nào khác để đạt được mọi mục tiêu trên?

Đặt vấn đề tín dụng công nghệ cao, đại biểu Phúc Bình Niê KDăm, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì vấn đề vốn đầu tư cực kỳ quan trọng đối với nông dân, hợp tác xã. Thời gian qua Chính phủ đã có Nghị định như Nghị định 55, Nghị định 116, Nghị định hợp nhất số 17 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, qua phản ánh thực tế của người dân thì việc tiếp cận và vay vốn còn rất nhiều khó khăn. Các chính sách tại Nghị định trên chủ yếu phụ thuộc vào quyền tự quyết của ngân hàng cho vay như hạn mức cho vay, mức lãi vay, điều kiện cho vay, trong khi các ngân hàng luôn phải tính toán để đảm bảo có lãi và hạn chế rủi ro khi cho vay nên đưa ra các thủ tục, điều kiện mà người dân, hợp tác xã khó tiếp cận. Đại biểu đề nghị Thống đốc có ý kiến đánh giá và có giải pháp về vấn đề này?

Đại biểu cho biết, mong mỏi của người dân, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá đầy đủ về hiệu quả của chính sách trên. Từ đó tham mưu cho Chính phủ có cơ chế chính sách ưu đãi hơn nữa đối với nông nghiệp, đặc biệt là về lãi suất, điều kiện cho vay tín chấp thuận lợi hơn, bố trí ngân sách đủ lớn để ủy thác cho vay ưu đãi qua các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hoàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước 2 nội dung. Thứ nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023 sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để luật hóa quy định về xử lý nợ xấu. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết cụ thể hơn về dự kiến lộ trình, tiến độ việc thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với các dự án luật.

Thứ hai, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn do lạm phát gia tăng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục, nên nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ cho ngân hàng dẫn đến nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Đại biểu cho rằng, có hoạt động tín dụng thì sẽ khó tránh khỏi nợ xấu. Vấn đề là ở chỗ kiểm soát nợ xấu ứng mức quy định sẽ như thế nào trong hành lang pháp lý hiện hành. Ngoài việc đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ quyết định của Nghị quyết số 42 đến tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì thêm đối với Quốc hội về vấn đề này?

Chất vấn về tình trạng chuyển tiền xuyên biên giới, đại biểu Mai Khanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua các chuyên án đấu tranh với tội phạm đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia cho thấy các đối tượng này chuyển những số tiền cực lớn. Đại biểu cho rằng đã bộc lộ sự yếu kém trong công tác kiểm soát và quản lý các cổng thanh thanh toán, đề nghị Thống đốc cho biết là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc kiểm soát, quản lý cổng thanh toán quốc gia và giải pháp trong thời gian tới của ngành ngân hàng để phòng, chống vấn đề này.

Vấn đề thứ hai, đại biểu trao đổi với Thống đốc là việc giải quyết nợ xấu, qua theo dõi nhiều diễn đàn ngành ngân hàng đều xác định có trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng tín dụng đen, tức là bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người lao động và các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Thế nhưng qua trả lời của Thống đốc vẫn chưa rõ. Đại biểu nghị Thống đốc cho biết thêm về vấn đề này?

Công ty tài chính có lãi suất phải cao để bù đắp được những rủi ro cho vay không tài sản đảm bảo

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã thực sự theo sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước để đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Từ khi đại dịch đến nay các tổ chức tín dụng thực hiện miễn, giảm lãi vay và tổng số tiền giảm đến nay đạt 47.000 - 48.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây là con số đáng được ghi nhận, bởi bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động thu lợi từ lãi vay và các dịch vụ. Do đó việc chấp nhận giảm lãi vay cho thấy sự đồng hành của các tổ chức tín dụng với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động ngân hàng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh không thể tránh khỏi. Do đó, các tổ chức tín dụng cần có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu này.

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp của người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực và theo đó rất nhiều doanh nghiệp có nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện để vay vốn, nhưng bằng cách này nhiều doanh nghiệp và người dân có thể vay nợ trở lại, tiếp cận thêm khoản vay. Trong quá trình thực hiện tín dụng tăng 8% so với chỉ tiêu 14% cả năm. Đồng thời, nhờ thông tư tái cơ cấu khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi tiếp tục được vay vốn.

Về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ các ngân hàng là doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu kinh doanh. Nhưng khác với doanh nghiệp thông thường thì số vốn điều lệ và quy mô tài sản của ngân hàng là rất lớn. Nếu như đến cuối 2020 toàn hệ thống tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỉ đồng thì tính đến tháng 3/2022 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng; tín dụng khoảng 12 triệu tỷ và tài sản khoản 1,6-1,7 triệu tỷ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ nếu tính lợi nhuận sinh lời trên tổng tài sản như vậy thì không phải là lớn. Theo những số liệu tổng hợp được trên thị trường chứng khoán, đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn của các tổ chức tín dụng so với một số các doanh nghiệp ở các ngành khác thì không cao.

Về câu hỏi giải bài toán lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là áp lực lớn để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu giảm lạm phát. Để làm được điều đó đòi hỏi cân đối hài hòa các giải pháp từ điều hành tín dụng, lãi suất, tỉ giá và công cụ khác phải phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp người dân và không chủ quan trước lạm phát ...

Về kiểm soát nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh công tác phòng ngừa là rất quan trọng. Do đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát những rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu và khi có nợ xấu xảy ra thì cũng phải có những biện pháp xử lý. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện dự kiến trình vào năm 2023. Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng hợp, đánh giá kinh nghiệm các nước, đánh giá tình hình thực tiễn và trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu để đưa vào trong luật. Ngoài ra, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì luật về phòng, chống rửa tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một vấn đề rất khó và cũng đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của xã hội. Do đó, mong muốn các đại biểu và Quốc hội quan tâm đến nhiệm vụ này của Ngân hàng Nhà nước, vào cuộc từ sớm, từ xa để việc hoàn thiện chính sách, tạo được khuôn khổ pháp lý tốt nhất và đi vào cuộc sống.

Trả lời câu hỏi về tín dụng cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là lĩnh vực cần có nhiều những chính sách của Nhà nước và được thực hiện bởi các bộ, ngành, các cơ quan chức năng. Đối với Ngân hàng nhà nước có chính sách về tín dụng, điều hành lãi suất quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay có chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực này cũng có những khó khăn do số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư vẫn còn hạn chế, tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc thẩm định, cho vay những lĩnh vực mới, cần chuyên môn am hiểu về công nghệ cao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi việc triển khai chương trình và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ có sự phối hợp để làm sao tín dụng đối với lĩnh vực này được phát triển.

Trả lời câu hỏi về phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền qua biên giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các giao dịch thanh toán qua biên giới phân ra thành rất nhiều loại hình giao dịch. Những giao dịch vãng lai, như giao dịch về hàng hóa, dịch vụ hay chuyển tiền phục vụ cho mục đích tiêu dùng vãng lai thì các tổ chức, cá nhân được tự do thực hiện. Mỗi ngày, thanh toán loại này nhiều triệu giao dịch. Đối với các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước, bởi vì như vậy sẽ ách tắc toàn bộ các giao dịch. Trong các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra những chứng từ. Các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của chứng từ đó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có quy định về phòng, chống rửa tiền. Tất cả các giao dịch đối với ngoại tệ trên 1.000 USD sẽ được đưa vào hệ thống của giao dịch đáng ngờ.

Qua phân tích dữ liệu này nếu như có những trường hợp bất thường, những dấu hiệu nghi ngờ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan của pháp luật để điều tra, xác minh. Còn đối với nhu cầu thanh toán theo lệnh của chủ tài khoản thì các tổ chức tín dụng phải thực hiện thanh toán. Đương nhiên doanh nghiệp và người dân là chủ tài khoản phải nhận thức được những giao dịch nào bị cấm không thực hiện và những giao dịch nào được thực hiện.

Về tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong đó, Bộ Công an là chủ chốt, được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì. Về phía Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ tăng cường các kênh cung ứng vốn chính thức. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định hiện đã ban hành đầy đủ khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay đối với các cá nhân, đặc biệt là những cá nhân người tiêu dùng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải việc tiếp cận tín dụng khó khăn đối với cá nhân là do không có tài sản đảm bảo khi đó cho vay sẽ có những rủi ro. Chính vì vậy công ty tài chính tiêu dùng sẽ cung cấp ở phân khúc này, khi đó lãi suất phải cao để bù đắp được những rủi ro khi người dân không trả được nợ. Với phân khúc này thủ tục cho vay vốn rất đơn giản và thuận tiện. Còn đối với các tổ chức tín dụng, các cá nhân tiếp cận những khoản vay nhỏ lẻ như thế này sẽ là khó khăn hơn, bởi vì bản thân các tổ chức tín dụng họ lựa chọn các phân khúc để phục vụ các khách hàng, còn những khách hàng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa sẽ qua các kênh công ty tài chính tiêu dùng, những hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô như đã báo cáo Quốc hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Lợi nhuận của các ngân hàng tính trên tổng tài sản là không lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO