Phát biểu tại phiên cao cấp của VBF ngày 21/2, ông Dominic Scriven lưu ý, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Do đó, cần có những chính sách để thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường vốn nhiều hơn.
Theo ông Dominic Scriven, Việt Nam cần lưu ý thực hiện một số giải pháp để tiếp tục phát triển thị trường vốn trong thời gian tới.
Đầu tiên là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và liên thông mạnh giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp thị trường vốn phát triển mạnh mẽ vì với đặc thù của Việt Nam thì mỗi cơ quan đều có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển thị trường vốn.
Tiếp đến là vấn đề cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm của thị trường vốn. Đến nay Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán…
Một điểm lưu ý nữa là cần triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và trên hết là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý.
Lưu ý quan trọng tiếp theo là việc bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư và điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường. Theo đó Việt Nam cần áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân.
Về lâu dài, Việt Nam cần thể chế hoá và đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường vốn.
Ông Dominic Scriven nhấn mạnh, cũng giống như bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm các định chế lớn, nâng cao mức độ quan tâm của họ và mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện.
Hiện thị trường vốn của Việt Nam còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.
Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.
Khi giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu Việt Nam nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại.
“Trước mắt nên đẩy nhanh việc biến Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore”, ông Dominic Scriven lưu ý.
Cũng theo ông Dominic Scriven, thị trường vốn có thể là động lực mạnh mẽ và hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam do đó các nhà hoạch định chính sách nên nhận thức rõ việc quản trị các rủi ro trong và ngoài biên giới Việt Nam, bao gồm: sự gia tăng tổng dư nợ quốc gia của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu; sự tồn tại của lãi suất âm; lạm phát gia tăng và bất bình đẳng thu nhập; chưa có kế hoạch chuyển tiếp để giảm phát thải carbon; và biến động giá năng lượng toàn cầu; dân số già và nhu cầu chăm sóc an sinh xã hội ngày càng tăng.