Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới liên tục biến động quanh mốc 2.000 USD/ounce theo kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
- Vàng trong nước giảm nhẹ và bật tăng trở lại vào phiên cuối tuần, hưởng lợi từ sự phục hồi của giá vàng thế giới.
- Tuần qua, 2 doanh nghiệp bán lẻ trang sức lớn là PNJ và DOJI đồng loạt báo lãi lớn cho quý I/2023 và năm 2022.
Tuần này, giá vàng thế giới liên tục trồi sụt quanh mốc 2.000 USD/ounce theo diễn biến tâm lý của thị trường tài chính về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Mỗi khi thị trường cho rằng Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát và khó giảm lãi suất trong năm nay, giá vàng lại không giữ được mức chủ chốt này. Ngược lại, mốc 2.000 USD/ounce dễ dàng được thiết lập lại khi thị trường dự báo Fed sắp dừng việc tăng lãi suất và không lâu sau đó sẽ chuyển sang giảm lãi suất.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 7 ngày qua.
Trong phiên giao dịch ngày 17/4 (giờ Mỹ) trên sàn New York, giá vàng đã rớt mạnh xuống sát ngưỡng 1.980 USD/ounce và đóng cửa ở mức 1.994 USD/ounce. Giá mỗi ounce vàng giảm tới 9,2 USD so với cuối tuần trước.
Jim Wyckoff - nhà phân tích cao cấp tại Kitco Metals cho rằng đồng USD và lợi suất trái phiếu phục hồi trở lại cùng với hoạt động chốt lời đang gây áp lực lên vàng. Kim loại quý đứng trước áp lực bị bán tháo vì 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất là nhu cầu trú ẩn đã giảm bớt do cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng không nghiêm trọng như những gì các nhà đầu tư lo ngại trước đó.
Điều này dẫn tới nguyên nhân thứ hai, Fed vẫn có thể quyết liệt trong việc tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Thống đốc Fed Christopher Waller khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn "chưa đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tăng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.
Michael Boutros - chiến lược gia kỹ thuật cao cấp của Forex.com nhận định: “Đây giống như một đợt bán tháo kỹ thuật. Tuy nhiên, đồng đô la đang tiếp tục mất giá. Điều này sẽ giúp đà tăng của vàng duy trì trong dài hạn."
Sau đó, dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng lên vào tuần trước, doanh số bán nhà giảm và hoạt động của nhà máy ở khu vực giữa Đại Tây Dương thấp hơn nhiều so với dự báo đã hỗ trợ giá vàng tăng trở lại.
Thị trường đang đặt cược khả năng 88% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm % trong cuộc họp tháng 5. Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters nghiêng về khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất đến hết năm 2023.
Carlo Alberto De Cas - nhà phân tích tại Kinesis Money nhận định phạm vi 1.980 - 2.000 USD là vùng hỗ trợ đầy hứa hẹn đối với vàng thỏi.
Vàng trong nước bám mốc 67 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên đầu tuần, thị trường vàng trong nước duy trì ổn định với giá vàng SJC mua vào niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng miếng trong nước có xu hướng giảm nhẹ trong các phiên giao dịch giữa tuần.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới trở lại vùng 2.000 USD/ounce giúp vàng trong nước tiếp đà phục hồi phiên cuối tuần, đặc biệt là mặt hàng vàng nhẫn 99,99.
Trong phiên cuối tuần (21/4), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu/lượng bán ra.
Giá vàng miếng tại các thương hiệu lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hay Công ty Bảo Tín Minh Châu... cũng ghi nhận xu hướng đi lên trong ngày 21/4, dao động quanh mức 66,5 - 67 triệu đồng/lượng.
Giá mua - bán vàng nhẫn 24K do các doanh nghiệp này chế tác cũng tiếp nối đà tăng và giao dịch tại vùng 55,8 - 56,9 triệu đồng/lượng. So với hơn 6 tuần trước, giá bán vàng nhẫn tại SJC đã tăng 2,05 - 2,15 triệu đồng/lượng.
Doanh nghiệp vàng bạc báo lãi lớn
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) công bố doanh thu thuần quý đầu năm nay đạt 9.753 tỷ đồng, giảm 4% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022.
Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của PNJ vẫn tăng trưởng 4%, đạt 749 tỷ đồng. Kỷ lục lợi nhuận mới được xác lập nhờ hoạt động tối ưu hóa tồn kho và thực hiện chiến lược tái cơ cấu hàng hóa.
Năm 2023, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 35.598 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.937 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 7% so với kết quả năm trước. Như vậy, ông lớn ngành bán lẻ trang sức đã thực hiện 27% chỉ tiêu doanh thu và gần 39% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Cũng trong tuần này, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã có báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận lên đến 1.017 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2021.