Đồng USD đang biến động rất mạnh theo mỗi dữ liệu công bố phát đi từ nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ.
Trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 14/4) trên thị trường quốc tế, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - lúc kết thúc phiên hồi phục từ mức thấp nhất 1 năm sau khi dữ liệu cho thấy một số thành phần trong doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 3 không yếu như một số nhà kinh tế lo ngại, trong khi một quan chức của Fed cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần tiếp tục tăng lãi suất để giảm lạm phát đến mức an toàn.
Tuy nhiên, trước đó, lúc đầu phiên, DXY chạm mức thấp nhất 1 năm và euro cao nhất 1 năm khi thị trường tin rằng Fed sắp tạm dừng tăng lãi suất vì có dấu hiệu cho thấy giá tiêu dùng đang có sự điều chỉnh theo hướng bớt nóng.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ hôm 13/4 cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tháng 3 đã giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 năm. Theo đó, PPI tháng 3 giảm 0,5% so với tháng 2, thay vì đi ngang như dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. PPI là thước đo giá cả mà các công ty phải trả, thường được xem là một chỉ báo sớm của lạm phát tiêu dùng. PPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và lương thực, thực phẩm, tháng 3 cũng giảm 0,1% thay vì tăng 0,2% như dự báo của giới phân tích. Dữ liệu PPI củng cố niềm tin rằng lạm phát ở Mỹ đang có xu hướng giảm nhiệt, sau khi dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng 2 và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp nhất trong gần 2 năm.
Sau những dữ liệu này, DXY giảm xuống 100,78 vào giữa phiên 14/4, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Chỉ sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến thì DXY mới hồi phục về cuối phiên.
Theo đó, doanh số bán lẻ cốt lõi của Mỹ, tương ứng chặt chẽ nhất với thành phần chi tiêu của người tiêu dùng trong tổng sản phẩm quốc nội, trong tháng 3 đã giảm 0,3% do người tiêu dùng cắt giảm mua xe cơ giới và các mặt hàng đắt tiền khác.
"Nói chung là yếu, ngoại trừ nhóm kiểm soát doanh số bán lẻ, tức là doanh số bán lẻ siêu cốt lõi - chỉ ít tiêu cực hơn dự kiến một chút và khiến bạn nghĩ rằng có thể thị trường vẫn đang hướng đến những mức thấp hơn nhiều." Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cao cấp của TD Securities ở New York cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm của tháng 3, mức tăng trong tháng 1 và tháng 2 đã giúp chi tiêu của người tiêu dùng đi đúng hướng để tăng tốc trong quý đầu tiên.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng trong bối cảnh một tháng Giêng rất mạnh mẽ, dữ liệu vẫn phản ánh một quý mạnh mẽ.
Thomas Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ của Jefferies cho biết: “Tiêu dùng cá nhân chững lại trong tháng 2 và tháng 3, nhưng điều này diễn ra sau đà tăng chi tiêu trong tháng 1”. "Điểm mấu chốt là sự yếu kém trong tháng 2 và tháng 3 có vẻ đáng lo ngại khi xem xét riêng từng tháng, nhưng mức trung bình hàng quý mạnh hơn nhiều do chi tiêu trong tháng Giêng rất mạnh mẽ."
Nhờ đó, chỉ số USD kết thúc phiên vừa qua tăng 0,57% lên 101,53, song tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 5 liên tiếp, mất tổng cộng 0,53% trong tuần.
Đây là tuần thứ 5 liên tiếp USD giảm giá – kỳ giảm dài nhất trong gần 3 năm.
Đồng euro giảm 0,44% xuống 1,0999 USD sau khi chạm mức 1,10755 USD trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đồng USD cũng tăng 0,91% so với đồng yên Nhật vào cuối phiên, lên 133,78 JPY.
Các nhà đầu tư đang định giá khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay do dự kiến kinh tế sẽ chậm lại, nhưng nền kinh tế vẫn tương đối mạnh, khiến giao dịch trở nên khó khăn.
Chiến lược gia Issa của TD Securities nói: “Chủ đề bao trùm là kinh tế Mỹ đang bị chậm lại. Tôi nghĩ điều bị bỏ qua là có thể mất nhiều thời gian hơn để mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, có thể nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt hơn những gì mọi người đã nghĩ."
Các dữ liệu khác vào thứ Sáu cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã tăng trong tháng 4, nhưng các hộ gia đình lo ngại lạm phát sẽ tăng trong 12 tháng tới. Sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ cũng giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 3, nhưng đạt mức tăng khiêm tốn trong quý đầu tiên.
Thống đốc Fed Christopher Waller hôm thứ Sáu cho biết rằng mặc dù đã có một năm tăng lãi suất mạnh mẽ, các ngân hàng trung ương Mỹ "không đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và vẫn cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cho biết thêm những đợt tăng lãi suất thêm một số điểm phần trăm nữa sẽ cho phép Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cũng nói rằng một cuộc suy thoái ở Mỹ chắc chắn có thể xảy ra do các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed trong năm qua đã ảnh hưởng hoàn toàn đến nền kinh tế.
Thị trường hiện dự đoán có 81% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 2-3 tháng 5.
Tỷ lệ dự đoán Fed tăng lãi suất
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc hôm thứ Sáu đã chạm mức cao nhất 3 tuần so với đồng USD do dữ liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc trong tháng 3. Kết thúc phiên này, nhân dân tệ tăng 215 pip lên 6,8465 CNY.
Thị trường tiền điện tử tiếp tục nóng lên khi đồng ether nhảy vọt lên mức cao nhất 11 tháng sau khi việc nâng cấp phần mềm "Shapella" diễn ra suôn sẻ. Theo đó, ether đã tăng vọt hơn 5% lên 2.130,80 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022.
Giá vàng cũng biến động mạnh tương tự USD, kết thúc phiên thứ Sáu giảm mạnh từ mức cao nhất hơn 1 năm ở phiên trước đó. Biến động giá vàng chủ yếu do biến động tỷ giá của USD.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,8% xuống 2.003,60 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 1,9% xuống 2.015,80 USD. Phiên thứ 5, giá vàng đã vọt lên mức 2.047 USD, cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Các nhà kinh tế nhận định thị trường vàng sẽ trở nên trầm lắng từ nay đến khi Fed họp chính sách trong tháng 5, nhưng giá sẽ vẫn duy trì trên mức 2.000 USD, và về lâu dài, triển vọng thị trường vàng sẽ vẫn tích cực.
Tham khảo: Refinitiv