Thị trường vàng tuần qua: Thế giới gãy đà tăng, trong nước vẫn ảm đạm

Quỳnh Anh | 06:59 09/07/2023

Tuần qua, giá vàng thế giới tăng liên tục trong 3 phiên đầu tuần nhưng quay đầu giảm từ phiên 6/7. Giá vàng trong nước biến động nhẹ trong biên độ 100.000 đồng/lượng nhưng vẫn sát mốc 67 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng tuần qua: Thế giới gãy đà tăng, trong nước vẫn ảm đạm

Nội dung chính:

  • Giá vàng thế giới không giữ được đà tăng trong suốt tuần qua sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed củng cố khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức trong thời gian dài. 
  • Giá vàng trong nước tiếp tục bám trụ quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. 

Mở cửa tuần này, giá vàng thế giới ghi nhận ở mức 1.919,5 USD/ounce, tương đương khoảng 54,71 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). 

Theo Kitco, vàng đang kết thúc quý II/2023 với mức giảm hơn 80 USD - hiệu suất thấp nhất kể từ quý III/2022. Tuy nhiên, thị trường vàng xuất hiện một số dấu hiệu khả quan khi xu hướng giảm giá diễn ra chậm và ổn định, không đột ngột và lao dốc. Ngoài ra, giá vàng duy trì tốt ở mức 1.900 USD.

“Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến được công bố hôm 3/7, bao gồm cả chỉ số PMI, đã hỗ trợ vàng” - nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết. Hiện thị trường theo dõi chặt chẽ dữ liệu việc làm của Mỹ để xem xét liệu các đợt tăng lãi suất trước đây có khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại hay không. 

Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA - Edward Moya dự đoán vàng sẽ giao dịch trong phạm vi nhất định trong ngắn hạn, với rủi ro giảm giá nếu vàng giảm xuống dưới 1.900 USD. “Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra” - ông nhấn mạnh.

Ngày 5/7, giá vàng thế giới tăng lên hơn 1.927 USD/ounce (55,18 triệu đồng/lượng). Theo Kitco, giá vàng tăng cao hơn vào phiên giao dịch 5/7 khi một số thương nhân đặt cược rằng dữ liệu kinh tế không mấy khả quan của Mỹ trong thời gian gần đây có thể khiến Fed suy nghĩ lại về lộ trình tăng lãi suất của mình. Đồng thời, thị trường chờ đợi thêm tín hiệu từ biên bản cuộc họp chính sách của Fed.

Theo công cụ Fedwatch của CME, các nhà đầu tư nhận thấy gần 86% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7. 

Tuy nhiên, giá vàng đã giảm liên tiếp trong 2 phiên sau đó do áp lực bởi sự tăng giá của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed được công bố, củng cố kỳ vọng rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Diễn biến giá vàng thế giới 7 ngày qua. 

Ngày 6/7, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2007. Đồng USD cũng tăng 0,3% so với các loại tiền tệ khác khiến vàng giảm mạnh.

Tai Wong - Nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York cho biết: “Vàng giảm xuống mức thấp nhất trong ngày sau biên bản họp của Fed cho thấy việc ‘tạm dừng’ vào tháng 6 chỉ đơn giản là con đường ít gây bất đồng nhất. Gần như toàn bộ quan chức Fed đều kỳ vọng mức lãi suất cao hơn”

Theo công cụ Fedwatch của CME, các nhà đầu tư hiện dự đoán 92% khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 7, sau khi tạm dừng vào tháng trước.

Ngoài ra, số lượng việc làm mới tại Mỹ trong tháng 6/2023 cao gấp đôi so với kỳ vọng của thị trường trong khi lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu không chênh lệch đáng kể so với dự báo. Điều này góp phần đẩy giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 7/7.  

Sean Lusk - Giám đốc của Walsh Trading nhận định với nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh, việc bán tháo vàng có thể đã diễn ra theo đúng lộ trình. 

Vàng cần lấy lại mốc 1.966 USD/ounce để chuyển sang xu hướng tăng giá. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục chao đảo, nhu cầu với vàng sẽ giảm. Các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ làm lạm phát gia tăng, khiến Fed tiếp tục nâng lãi suất.

Giá vàng trong nước

Sáng 3/7, giá vàng trong nước tiếp tục giảm nhẹ và giao dịch quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng SJC tại thị trường TP. Hồ Chí Minh được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,4 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Hiện nay, thị trường vàng trong nước tương đối ảm đạm. Tại các cửa hàng lớn, lượng khách bán ra nhiều hơn mua vào vì người dân có thói quen mua tích trữ vàng vào thời điểm cuối năm và bán ra trong năm khi có việc cần dùng. 

Giá vàng miếng SJC gần như không có nhiều biến động suốt từ đầu năm đến nay. Trong khi vàng nhẫn có xu hướng tăng giảm rõ rệt. Nhiều thương hiệu vàng nới rộng chênh lệch mua vào - bán ra lên tới 1 triệu đồng/lượng khiến người mua dù bán ra ở thời điểm nào cũng đều chịu thiệt.

Tính đến sáng ngày 6/7, SJC TP Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng mua vào ở mức 66,35 triệu đồng/lượng và bán ra xấp xỉ 67 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đóng cửa phiên 7/7, giá vàng miếng SJC đều có xu hướng giảm ở cả hai chiều. 

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ổn định quanh 55 triệu đồng/lượng mua vào và 56 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn 9999 loại 0,5 chỉ được SJC mua - bán ở mức giá 55,05 - 56,15 triệu đồng/lượng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường vàng tuần qua: Thế giới gãy đà tăng, trong nước vẫn ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO