Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới thấp nhất 2 tháng khi thị trường lạc quan hơn về cuộc khủng hoảng trần nợ ở Mỹ.
- Với mức giảm nhỏ hơn so với giá vàng thế giới, vàng miếng trong nước vẫn bám mốc 67 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới đang ghi nhận xu hướng tăng nhẹ, phổ biến giao dịch ở mức 1.980 USD/ounce nhưng đà tăng lập tức đi xuống trước sức ép từ nhiều khía cạnh của nền kinh tế Mỹ và đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất 2 tháng hôm 25/5.
Chỉ số Dollar Index (đo lường đồng USD với các đồng tiền lớn) liên tục tăng trong 7 ngày qua.
Đến ngày 26/5, giá vàng thế giới rơi xuống dưới ngưỡng 1.940 USD/ounce - mức thấp nhất 2 tháng, khi thị trường lạc quan về cuộc khủng hoảng trần nợ ở Mỹ làm nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro suy giảm.
Ngoài ra, giá vàng còn chịu áp lực do số liệu kinh tế Mỹ tích cực củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thêm một đợt tăng lãi suất nữa.
Vàng là lựa chọn hàng đầu của đa số nhà đầu tư nếu Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ. Nhưng nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro suy giảm sau khi Nhà Trắng và phe Cộng hoà đạt một số tiến bộ trong cuộc đàm phán nâng trần nợ. Theo Reuters, chỉ cần hai bên nhất trí về một số khoản chi có tổng trị giá 70 tỷ USD là có thể đi đến thỏa thuận.
“Đây là một đòn giáng vào giá vàng. Nếu có một thỏa thuận vào cuối tuần thì rủi ro lớn nhất trên thị trường tài chính sẽ được gỡ bỏ” - nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda phát biểu.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 7 ngày qua.
Giá vàng giảm sâu thêm sau khi số liệu công bố lần 2 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 1,3% trong quý I, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu.
Nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng và lạm phát còn cao đồng nghĩa rằng Fed còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả. Trong môi trường như vậy, giá vàng sẽ gặp nhiều bất lợi vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.
Đồng USD tăng giá lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 trong 2 phiên cuối tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đạt gần mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 3. Tất cả những yếu tố này đều gây áp lực giảm lên giá vàng.
Các nhà đầu tư đang bắt đầu tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp điều hành tháng 6, hoặc chỉ tạm dừng chu kỳ thắt chặt. Lãi suất điều hành tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là một tài sản không được trả lãi.
Giá vàng trong nước bám mốc 67 triệu đồng/lượng
Sáng đầu tuần, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào vàng miếng ở mức 66,75 triệu đồng/lượng và bán ra ở 67,35 triệu/lượng. Chịu áp lực từ giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đồng loạt giảm ở cả mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn 99,99 trong tuần qua.
Vàng nhẫn 9999 loại 0,5 chỉ được SJC mua - bán ở mức giá 55,7-56,75 triệu đồng/lượng, "bốc hơi" tới 850 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 900 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức đỉnh đạt được vào ngày 15/5.
Dù không phản ánh đầy đủ mức giảm của giá vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước sáng 26/5 có nơi đã trượt khỏi mốc 67 triệu đồng/lượng sau nhiều ngày “cố thủ”.
Theo đó, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng ngày 25/5, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,55 triệu đồng/lượng và 56,45 triệu đồng/lượng.
Cùng ngày, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng. Trong tuần qua, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 900.000 đồng/lượng nhưng giá vàng miếng SJC chỉ giảm 250.000 - 300.000 đồng/lượng.