Dầu tăng trong tuần này
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần và ghi nhận một tuần tăng, do nhu cầu của Trung Quốc tăng và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đã hỗ trợ giá, bất chấp dự kiến kinh tế toàn cầu yếu và khả năng tăng thêm lãi suất.
Chốt phiên 16/6, dầu thô Brent tăng 0,94 USD lên 76,61 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,16 USD lên 71,78 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu thô Brent tăng 2,4% và WTI tăng 2,3%.
Giá dầu tăng trong tuần này do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng. Hoạt động lọc dầu của Trung Quốc tăng trong tháng 5 lên mức cao thứ hai trong kỷ lục và giám đốc điều hành của tập đoàn Dầu mỏ Kuwait dự kiến nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng trong nửa cuối năm.
Cũng hỗ trợ giá dầu là việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của tổ chức OPEC+ trong tháng 5 và việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabica trong tháng 7.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết giá dầu đạt 80 USD/thùng là một thực tế. Ông cũng cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga dự kiến giảm khoảng 20 triệu tấn (400.000 thùng/ngày) trong năm nay.
Tại Iran, xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu đã đạt cao nhất trong năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong tuần này số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 4 xuống 552 giàn, thấp nhất kể từ tháng 4/2022, trong khi số giàn khoan khí giảm 5 xuống 130 giàn, thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Hạn chế đà tăng của giá dầu là khả năng tăng lãi suất, điều đó có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trong tuần này Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi xuất 0,25 điểm phần trăm. Ngân hàng ECB nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và Fed báo hiệu tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm đến cuối năm.
Vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhẹ do các bình luận cứng rắn của Fed về khả năng tăng lãi suất được bù đắp bởi đồng USD giảm trong tuần này.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.958,83 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 0,1%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa gần như không đổi tại 1.971,2 USD/ounce.
Có vẻ như thị trường tin rằng Fed gần như đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ vì mọi người đang quay sang chứng khoán điều này làm giảm nhu cầu của vàng.
Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đều có quan điểm cứng rắn trong các bình luận đầu tiên của họ kể từ cuộc họp vừa qua do Fed cho biết lạm phát ở các bộ phận quan trọng của lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng và chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Đồng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp
Giá đồng chạm mức cao nhất trong hơn 5 tuần ở phiên cuối tuần nhưng đã rời khỏi mức đỉnh do số liệu cho thấy tồn kho tại sàn giao dịch kim loại London đang tăng, làm nổi bật nguồn cung đang cải thiện.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME tăng 0,2% lên 8.576 USD/tấn sau khi chạm 8.634 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 10/5.
Kim loại này đã giảm trở lại sau khi số liệu trên sàn LME cho thấy kho dự trữ được bổ sung 16.350 tấn đồng, đưa tổng dự trữ tăng 14%.
Thị trường đồng toàn cầu dự kiến dư thừa 240.000 tấn trong năm nay sau khi thiếu hụt 180.000 tấn trong năm 2022.
Giá đồng LME đã phục hồi gần 10% kể từ khi chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng trong ngày 24/5. Giá đã tăng 2,4% trong tuần này, thiết lập tuần thứ 3 tăng liên tiếp.
Cũng hỗ trợ cho đồng là thông tin nhà máy luyện Ronnskar của Boliden tại Thụy Điển đã tuyên bố bất khả kháng sau một vụ hỏa hoạn.
Dự trữ đồng tại sàn Thượng Hải giảm 20,1% trong tuần này, giảm 70% từ mức đỉnh hồi tháng 2. Nhưng tiêu thụ thực sự tại Trung Quốc vẫn yếu.
Quặng sắt ghi nhận tuần tăng thứ 3
Quặng sắt có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, hưởng lợi từ dự đoán có thêm kích thích để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch tại Trung Quốc nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt thay đổi ít trong phiên cuối tuần trong bối cảnh thị trường có nhiều tín hiệu trái chiều.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 0,12% lên 815 CNY (114,48 USD)/tấn, có tuần tăng 2,4%.
Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tăng 0,2% lên 113,6 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 12/4 và tăng 4,3% trong tuần này.
Lượng quặng sắt tăng ở cả nhà máy và các cảng gây áp lực cho giá hợp đồng tại Đại Liên và Singapore trong đầu phiên giao dịch, nhưng sau đó được hỗ trợ bởi nhu cầu khá ổn định.
Tồn kho quặng sắt tại 45 cảng được công ty Mysteel khảo sát tăng khoảng 2% so với tuần trước, đạt 128,5 triệu tấn trong tuần này, trong khi đó các nhà máy tăng 0,16% lên 84,84 triệu tấn sau khi giảm 6 tuần liên tiếp.
Tuy nhiên các nhà máy thép vẫn cần bổ sung quặng sắt để duy trì sản xuất trong thời gian tới do lợi nhuận được cải thiện và dự trữ ở mức thấp.
Tại Thượng Hải thép cây tăng 1,5%, thép cuộn cán nóng tăng 1,19%, thép dây tăng 0,9% và thép không gỉ tăng 0,39%.
Cao su Nhật Bản tăng do hy vọng kích thích của Trung Quốc
Giá cao su Nhật Bản tăng, theo xu hướng thị trường Thượng Hải do hy vọng có thêm kích thích kinh tế, mặc dù giá giảm khi tính chung cả tuần.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,6 JPY hay 0,3% lên 211,3 JPY (1,5 USD)/kg, giảm 0,3% trong tuần này.
Tại Thượng Hải cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 60 CNY lên 12.130 CNY (1.705,33 USD)/tấn.
Trung Quốc sẽ tung thêm nhiều gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại trong năm nay, nhưng những lo ngại về nợ và thoái vốn sẽ khiến các biện pháp nhằm hỗ trợ nhu cầu yếu trong lĩnh vực tiêu dùng và tư nhân tiếp tục được duy trì.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong ngày 16/6 bất chấp lạm phát cao hơn dự kiến.
Cà phê giảm nhưng đã đạt cao kỷ lục
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 10 USD hay 0,4% xuống 2.747 USD/tấn, nhưng đã đạt mức kỷ lục 2.797 USD/tấn trong phiên này. Hợp đồng đã tăng 2% trong tuần này.
Các đại lý cho biết giá ở Brazil, nhà xuất khẩu robusta lớn thứ 3 thế giới tiếp tục tăng do nhu cầu trong nước tiếp tục mở rộng, trong khi nông dân vẫn chưa muốn bán.
Trong khi đó tại các nước xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và Indonesia nguồn cung hết sức khan hiếm và không thể loại trừ khả năng tiếp tục giảm do hiện tượng thời tiết El Nino.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 2,2 US cent hay 1,2% xuống 1,8075 USD/lb.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,43 US cent hay 1,7% lên 26,43 US cent/lb, tăng 4,1% trong tuần này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 17,5 USD hay 2,6% lên 702,5 USD/tấn. Tăng 3,1% trong tuần.
Ngô, đậu tương, lúa mì tăng
Giá ngô và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng lên mức cao nhất nhiều tháng trước kỳ nghỉ 3 ngày cuối tuần của Mỹ, bởi lo lắng về tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng tại khu vực Midwest. Lúa mì tăng 4%, thiết lập cao nhất hai tháng.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 17 US cent lên 6,40-1/4 USD/bushel sau khi đạt 6,41 USD, cao nhất kể từ ngày 19/4.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 38-1/4 US cent lên 14,66-1/2 USD/bushel sau khi tăng lên 14,68-1/4 USD, cao nhất kể từ ngày 21/4. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng 80 US cent hay 5,77%, tăng tuần thứ 4 liên tiếp.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 7 đóng cửa tăng 26-1/2 US cent lên 6,88 USD/bushel sau khi tăng lên 6,97 USD, cao nhất kể từ ngày 19/4. Tăng 9,16% trong tuần, tăng tuần thứ 4 liên tiếp.